5 cách dạy con sớm biết quản lý tài chính cá nhân
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng nên tiết kiệm tiền của mình cho con để đảm bảo chúng có cuộc sống sung túc sau này. Tuy vậy, đây không phải cách tốt nhất giúp trẻ xài tiền thông minh và trở nên giàu có.
Theo khảo sát của The T.Rowe Price 2016 (Mỹ), nói chuyện về các vấn đề tài chính với con cái ít nhất một lần một tuần là bước đầu tiên để giúp trẻ có ý thức về chuyện tiền bạc.
1. Trả tiền công cho trẻ
Một trong những cách tốt nhất để tạo ra nền tảng về tài chính cho con bạn là trao cho trẻ cơ hội để quản lý tiền khi còn nhỏ. Trả tiền công cho trẻ dạy chúng về giá trị của lao động.
“Đồ chơi mới, tiền đi chơi với bạn bè, thậm chí là một chiếc xe đạp mới – trẻ phải làm việc, tiết kiệm và tính toán việc chi tiêu của bản thân. Điều này giúp chúng ý thức được giá trị của đồng tiền và học cách tiêu tiền thận trọng khi chúng rời khỏi vòng tay của bố mẹ”, Bill Engel, một nhà hoạch định tài chính cho công ty Fort Pitt Capital Group nói.
Ngoài ra, đừng quá lo lắng về việc trẻ sẽ tiêu tiền thiếu suy nghĩ trong thời gian đầu. Kể cả việc tiêu tiền vào những món đồ không có giá trị cũng sẽ dạy trẻ một bài học về quyết định của mình.
2. Khuyến khích trẻ tiết kiệm
51% trẻ được khảo sát bởi The T.Rowe Price cho biết sẽ tiêu tiền ngay khi nhận được bất cứ khoản nào từ bố mẹ. Tuy nhiên, để trẻ học được cách lên kế hoạch chi tiêu, bố mẹ nên gợi ý, khuyến khích trẻ tiết kiệm tiền cho những mục tiêu lớn hơn, ví dụ như mua những món đồ có giá trị lớn thay vì những món có giá trị nhỏ.
Một trong những cách khuyến khích trẻ tiết kiệm là đưa tiền lãi cho trẻ nếu chúng tiết kiệm. Một bậc phụ huynh nói rằng cô đưa cho con mình lựa chọn giữa việc nhận tiền ngay để mua những món đồ chúng thích hoặc tiết kiệm thêm một khoảng thời gian nào đó và được nhận thêm tiền lãi từ việc tiết kiệm này.
3. Mở tài khoản đầu tư chứng khoán cho trẻ
Khoảng 14% các ông bố bà mẹ trong cuộc khảo sát thậm chí đã mở tài khoản đầu tư chứng khoán cho con của mình và dạy chúng về cổ phiếu, cũng như khuyến khích chúng học cách đầu tư.
“Càng sớm tiếp cận với hệ thống tài chính, trẻ càng bớt đi sự sợ hãi khi tiếp xúc sau này”, Engel nói.
4. Khuyến khích trẻ tìm một công việc phù hợp
Một công việc làm thêm có thể giúp trẻ sớm hình dung ra việc kiếm tiền và quản lý thu nhập của mình sau này. Công việc giúp chúng hiểu về trách nhiệm, quản lý thời gian, tính kỷ luật và giá trị của lao động. Con gái của Engel nhận một công việc bán thời gian vào năm 16 tuổi và ngay khi nhận ra rằng tiền lương của mình không còn bao nhiêu sau khi trừ đi tiền thuế, em hiểu rằng phải làm việc một tiếng thì em mới đủ tiền cho mình mua một cốc cà phê đắt tiền.
Thậm chí, những công việc làm thêm này còn có thể giúp trẻ sớm tìm ra sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của mình, và có định hướng tốt hơn cho con đường nghề nghiệp của các em sau này.
Một giám đốc tài chính Mỹ cho rằng các bậc phụ huynh ngày nay đặt quá nhiều gánh nặng kiến thức tài chính lên con cái họ, và điều này gây hại nhiều hơn là giúp ích cho chúng.
5. Giúp trẻ mở tài khoản ngân hàng
Chỉ có 24% các bậc phụ huynh trong khảo sát cho biết họ đã mở tài khoản ngân hàng cho con của mình. Tuy nhiên, điều này rất có ích khi giúp trẻ có cơ hội thực hành việc quản lý và sử dụng tài khoản ngân hàng dưới sự hướng dẫn và quan sát của bố mẹ.
Engel nói rằng anh đã không có tài khoản ngân hàng cho đến khi vào đại học. Và kết quả là anh đã rất bối rối khi phải viết kiểm tra, chuyển tiền, hay thậm chí sử dụng tài khoản ATM để xem số dư trong tài khoản. Ngược lại, cô con gái của anh, bắt đầu sử dụng tài khoản ngân hàng từ năm 16 tuổi, đã thành thạo các ứng dụng trên di động để quản lý tài chính của mình.
Nguồn: Báo thanh niên