Theo Nho giáo, các chuẩn mực đạo đức để răn dạy người đời bao gồm nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Dưới đây là 7 “đạo sống” mà bạn cần khắc cốt ghi tâm
Điều tiết tâm lý, đừng quá theo đuổi những thứ hoàn mỹ
Luôn mong muốn giải quyết vấn đề một cách hoàn hảo nhất là trạng thái tâm lý bình thường của con người. Tuy nhiên việc yêu cầu những thứ quá hoàn mỹ mà không suy xét đến khả năng và tình hình thực tế của bản thân, đó lại là một loại bệnh lý.
Thành ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn”. Cứ mãi đuổi theo những thứ không thuộc về mình, có khác gì kẻ tầm thường tự chuốc lấy phiền toái?
Nếu bạn làm một việc gì đó mà không suy xét đến tình hình thực tế và năng lực của bản thân, một khi thất bại sẽ luôn cảm thấy bực tức, khó chịu, thậm chí oán trách bản thân mình và những người khác.
Bởi vậy, bạn phải đánh giá chính xác tình huống khách quan và năng lực của bản thân, lập kế hoạch và đưa ra mục tiêu hợp lí, và đặc biệt, đừng quá tham vọng theo đuổi những thứ quá hoàn mỹ.
Đạo “trung dung”, trung hòa giữa suy nghĩ và hành động
Sống, không có nghĩa là không phân biệt đúng sai, không chú ý quy tắc, cố chấp, ngang ngược; mà sống là phải giáo dục con người tự giác tu dưỡng, rèn luyện và cải thiện bản thân, trở thành một người có nhân cách lí tưởng, nhân hậu, trung thực, lương thiện, hòa hợp cả bên trong và bên ngoài. Đó chính là phương pháp cơ bản để bạn tồn tại và hòa nhập xã hội.
Phàm những chuyện trong thiên hạ, làm gì cũng phải có mức độ chừng mực, đừng chỉ vì cái lợi trước mắt mà khiến tất cả sự cố gắng bị hủy hoại. “Dục tốc thì bất đạt“, vượt qua một hạn độ nhất định sẽ khiến kết quả phản ngược lại.
Trước dòng chảy vội vã của cuộc sống, chỉ cần giữ thái độ lương thiện, sắp xếp công việc hợp lí, kết hợp giữa học tập, lao động và nghỉ ngơi; đồng thời hãy học cách sống thư thái, trong bận rộn vẫn phải luôn dành thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần. Hãy tự tạo cho mình một cuộc sống thoải mái, loại bỏ những tư tưởng, cảm xúc tiêu cực ra khỏi cuộc sống. Như vậy mới có thể giữ được sức khỏe và hiện thực hóa giá trị của cuộc sống của chính bạn.
Kiên cường với đạo “nội thánh ngoại vương”
“Nội thánh” chính là yêu cầu nâng cao việc tu dưỡng bản thân, vậy phải làm gì mới có thể đạt được điều đó?
Chính là học hỏi tấm gương của những người đi trước, coi đó là chuẩn mực cho bản thân. Tuy nhiên chỉ bồi dưỡng đạo đức thôi chưa đủ, bạn bắt buộc phải có “ngoại vương”.
“Ngoại vương” hay còn gọi “công danh sự nghiệp“, không chỉ đơn giản là bồi dưỡng trí tuệ, óc sáng tạo, mà còn phải vận dụng điều đó vào cuộc sống, xây dựng sự nghiệp và tạo nên thành công.
Mỗi người trước hết hãy tu dưỡng đạo đức của bản thân mình, đó là “lập đức”; sau đó phải “lập ngôn”, chính là dùng lời nói của mình giáo dục và truyền cảm hứng cho người khác. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, bạn còn phải “lập công”, tham gia lao động, nỗ lực tạo nên những vinh quanh cho cuộc đời mình.
Biết cách thống nhất giữa tri thức và hành động
Đầu tiên, phải thu thập tài liệu, tiến hành khảo sát trực tiếp, suy xét một cách cẩn thận và kỹ lưỡng, rõ ràng, cuối cùng đó chính là hành động.
Cho dù bạn có học cao đến đâu, nếu không nắm vững những kiến thức cốt yếu, vậy chỉ có thể nói việc học của bạn là vô dụng. Ít nhất bạn cũng phải nắm được tinh thần chủ yếu, như vậy khi đi vào thực tế, bạn mới có đủ kiến thức và tự tin để thực hiện. “Học phải đi đôi với hành”, chỉ khi thực sự làm được, đó mới là điều quan trọng nhất.
Hòa hợp nhưng không giống nhau, hãy biết cách bao dung
“Hòa hợp nhưng không giống nhau”, thể hiện một loại tiếp thu. Quan điểm của tôi tuy không giống quan điểm của bạn, nhưng tôi vẫn tiếp thu những ý kiến khác mà bạn đưa ra, từ đó dẫn đến chữ “hợp”, chứ không phải tranh cãi mà dẫn đến mất lòng nhau. Cũng giống như việc bạn đổ dầu và nước vào một chiếc cốc vậy, một loại ở trên một loại ở dưới, “nhún nhường” cùng tồn tại nhưng không dung hòa vào nhau.
Quan hệ giữa tôi và bạn vô cùng tốt. Tôi tôn trọng nhân phẩm của bạn, nhưng không có nghĩa rằng tôi nhất định phải đồng ý với ý kiến của bạn. Tôi phản đối ý tưởng và cách làm của bạn không có nghĩa là tôi ghét bạn hay phủ định phẩm chất đạo đức của bạn. Đối nhân xử thế, biết người biết ta, biết bao dung, đúng mực, đó mới chính là người thông minh.
Chỉ có rộng lượng mới có thể bao dung người khác, chỉ có phẩm đức cao thượng mới có được sự tôn trọng.
Đạo lý không thể quên, và ân oán không được nhớ. Chỉ có như vậy, cảm xúc của bạn mới được giữ ở mức tích cực và thực sự bước vào thế giới của sự bao dung. Khoan dung là một loại nhận thức trong tâm hồn, là sự bao dung độ lượng của trái tim. Trong xã hội phức tạp ngày nay, khó có thể tránh khỏi sự va chạm, xung đột xuất phát từ những chuyện nhỏ nhặt không đáng có. Nếu không có lòng khoan dung, rất dễ dẫn đến những bi kịch khiến bạn sau này không khỏi hối hận.
Chỉ cần không phải là những vấn đề nghiêm trọng, không có gì là không thể khoa dung. Việc thỏa hiệp được thì nên thỏa hiệp, việc nhún nhường được thì nên nhường. Từ một góc độ nào đó, sự giao tiếp giữa người với người cũng chính là một cách vận dụng phù hợp của nghệ thuật khoan dung.
Thận trọng trong lời nói và hành động, cuộc đời bạn sẽ trở nên hạnh phúc
Khi chúng ta giao tiếp, thường chỉ có thể nói được trọng điểm mà khó có thể nói hết một cách đầy đủ. Điều này khó tránh khỏi việc khiến đối phương khó hiểu hoặc hiểu nhầm. Nếu bạn có cơ hội để hỏi lại, đương nhiên là tốt nhất. Còn nếu không, khi nói nên cẩn thận những phát ngôn của mình.
Bạn nên học cách nói mà ít phạm lỗi sai, làm việc mà không phải hối hận. Ngay từ thời khắc này, hãy hình thành thói quen thận trọng trong lời nói và hành động, mỗi ngày không ngừng nhìn lại, sửa đổi và cải thiện bản thân. Có cơ hội, hãy nghe nhiều hơn, nhìn nhiều và học nhiều hơn. Nhìn nhiều nghe nhiều, tự khắc bạn sẽ có được những trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu cho bản thân; đồng thời cố gắng loại bỏ những thành phần tiêu cực, những thói quen không tốt, cải thiện để bản thân ngày một tốt hơn.
(360doc)