Tức giận là phép thử giúp ta tìm ra những người có văn hóa

Thế nào mới được xem là một người có văn hoá?

Đó là những người có phong thái được kết tinh từ quá trình tự thân tu dưỡng.

Đó là những người sở hữu sự tự do được xây dựng trên những nguyên tắc.

Đó là những người có tấm lòng lương thiện luôn biết cảm thông cho người khác.

Đó là những người không chỉ biết cách ăn mặc lịch sự hay có những cử chỉ nho nhã, mà còn phải luôn đối xử bình đẳng và biết yêu thương giúp đỡ mọi người.

Vừa rồi, một vị giáo sư nổi tiếng đã có nhiều năm làm việc tại nước ngoài đã ra tay đánh một nữ lao công dọn vệ sinh lam lũ ít học. Nguyên nhân là bởi cô lao công vì bận quét sân mà vô tình cản đường của ông giáo sư. Giận quá mất khôn, ông giáo sư không chỉ to tiếng cãi nhau mà còn sử dụng vũ lực để xả cơn giận. Thế mới nói, thái độ khi tức giận sẽ cho ta biết đó có phải là một người có văn hóa hay không?

Trong tình huống này, ông giáo sự có hai lựa chọn. Một là lịch sự nhường đường cho cô lao công. Hai là trở nên thô lỗ để trút cơn giận. Cách ứng xử với những người yếu thế hơn chính là bộ mặt thật của một con người. Thông qua những hành vi và ngôn từ khi tức giận, ta có thể biết được bản tính và sự tu dưỡng của người đó. Người quyến rũ nhất là người biết cách cư xử lịch thiệp và có văn hóa chứ không phải là người có bằng cấp cao hay giàu có.

Những người có văn hoá dù cho có tức giận nhưng vẫn luôn giữ được lý trí và sự bình tĩnh. Họ biết làm chủ cảm xúc và hành vi của bản thân. Họ khiêm nhường, tôn trọng và biết yêu thương người khác.

Thủ thuật đọc vị: Để hiểu thấu một người, chỉ cần xem cách họ xử lí cơn tức giận của bản thân - Ảnh 1.

Tức giận là bài kiểm tra “nhân phẩm” của mỗi người

Một người phụ nữ dắt con đi ăn tại một tiệm cơm. Trước khi đi vào phòng vệ sinh rửa tay, người mẹ đã bế đứa con đặt lên trên ghế. Không may, em bé bị ngã xuống đất và khóc rất to. Thấy vậy, một trong hai người đàn ông đang ngồi ở bàn bên cạnh vội tiến đến đỡ em bé dậy. Đúng lúc này, người mẹ từ trong toilet đi ra. Cô tưởng con mình bị bắt nạt nên đã gằn giọng: “Một người lớn mà đi bắt nạt một đứa trẻ con. Con tôi mà có chuyện gì thì tôi không để ông yên đâu!”

Người đàn ông đó chỉ im lặng và lẳng lặng quay về bàn ăn của mình. Lúc này, những người khách ở xung quanh mới lên tiếng: “Là con của cô bị ngã. Người ta tốt bụng đỡ thằng bé dậy, cô không cảm ơn thì thôi lại còn mắng người ta?”

Người phụ nữ kia xấu hổ quá, nên vội vàng đem con đi mất. Khi ấy, người đi cùng với người đàn ông kia mới hỏi: “Rõ ràng là cậu bị mắng oan, sao cậu không nói lại chứ?”

Người đàn ông giải thích: “Tranh cãi chỉ làm mọi thứ thêm nghiêm trọng. Người ta cũng chỉ vì quá lo cho con nên mới nhất thời hồ đồ.”

Nhân phẩm của con người thường được bộc lộ trong lúc họ tức giận hoặc nhận thấy lợi ích cá nhân đang bị xâm hại. Nhân phẩm vốn không thể nhìn thấy hay sờ thấy, nhưng đó lại là thứ có thể cảm nhận được qua từng tiểu tiết trong cuộc sống. Nhân phẩm và khí phách là thứ được bộc lộ thông qua cảm xúc. Mà tức giận chính là một phép thử hiệu quả nhất cho nhân phẩm của mỗi người. Những người ngay trong lúc tức giận mà vẫn giữ được tâm từ bi của mình và giữ được thể diện cho người khác, chắc chắn nhân phẩm không tệ.

Người có nhân phẩm tốt biết tôn trọng và cảm thông cho những sai lầm của người khác. Họ sẽ dùng lời lẽ hợp tình hợp lý thay vì thái độ thô lỗ để xử lý mọi vấn đề. Nhân phẩm là cái gốc của mỗi con người. Nhân phẩm tốt, vận may cũng sẽ tốt, đường đời tự sẽ bớt chông chênh.

Thủ thuật đọc vị: Để hiểu thấu một người, chỉ cần xem cách họ xử lí cơn tức giận của bản thân - Ảnh 2.

Tức giận sẽ bộc lộ bản chất thật của một con người

Bạn muốn tìm hiểu về một con người. Hãy nhìn cách họ đối xử với người lạ.

Trong một lần bị lạc đường, Alexander Đại đế đã nhờ một binh sỹ chỉ đường giúp cho mình. Ông lịch sự hỏi người đó: “Anh bạn có thể nói cho tôi biết muốn về thành thì phải đi con đường nào?”

Binh sỹ kia mồm đang ngậm điếu thuốc, liếc nhìn đối phương một lượt bằng ánh mắt khinh bỉ rồi hất hàm trả lời: “Rẽ phải”

Ông vẫn mỉm cười hỏi tiếp: “Vậy mong anh nói cho tôi biết thêm từ đấy đến đó còn bao xa nữa?” Người binh sỹ chỉ trả lời cụt lủn: “Một cây số.”

Alexander Đại đế vừa đi được mấy bước thì lại quay lại hỏi: “Phiền anh cho tôi hỏi thêm quân hàm của anh là gì?” Binh sỹ tiếp tục dùng cái giọng điệu khinh người trả lời: “Thiếu tá. Thế còn người?”

Alexander Đại đế để cho người đó đoán mò một lúc. Thái độ của người đó đi từ khinh miệt sang kinh sợ khi biết đây chính là hoàng đế. Người binh sỹ kia chỉ còn biết quỳ xuống xin tha mạng mà thôi. Lúc này, Alexander Đại đế mỉm cười nói: “Cậu không hề làm tổn thương ta. Cậu là người chỉ đường cho ta. Ta còn phải cảm ơn cậu nữa!”

Mặc dù thái độ nói chuyện của Alexander Đại đế rất lịch sự và tử tế nhưng người binh sỹ kia lại cảm thấy vô cùng khó chịu. Nguyên do là vì người đó tưởng Alexander Đại đế là người có địa vị thấp hơn mình.

Khi ngọn lửa sân hận thiêu đốt hết mọi mặt nạ đeo bên ngoài, đó chính là khoảnh khắc bộ mặt thật được lộ ra. Chúng ta nên tránh xa hai loại người. Một là người bình thường thì phong độ đạo mạo nhưng khi tức giận sẽ trở nên vô cùng sỗ sàng. Hai là người luôn khinh thường những người yếu thế hơn mình.

Những người có văn hóa là người luôn biết cách làm chủ cảm xúc và lý trí ngay cả khi tức giận. Họ tuyệt đối không bao giờ lên mặt hay thô lỗ với người khác. Người nào biết làm chủ cảm xúc thì người ấy cũng biết làm chủ số phận của mình.


Đình Trọng