Ma Weidu từng nói: “Thực ra 35 đến 55 tuổi mới là thời kì hoàng kim của nhiều người.”
Trước 35 tuổi, là giai đoạn bạn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và cảm xúc.
Sau 35 tuổi, bạn đã trở nên trưởng thành hơn và có được một nền tu dưỡng tốt!
Thế nên, dù có thành công hay thất bại, chúng ta cũng nên quản lý tốt cuộc đời ở tuổi 35 – 55 của mình.
1. “Dưỡng” tốt hôn nhân
Có nhiều người thường thắc mắc: “Tại sao lúc mới yêu rất tốt đẹp, nhưng khi kết hôn lại nảy sinh nhiều tranh cãi đến vậy?”
Bởi vì “cảm giác”.
Bản chất của tình yêu là thể nghiệm những cung bậc cảm xúc, mới chớm yêu lúc nào cũng rất đẹp. Nhưng bản chất của hôn nhân là một loại quản lý.
Hôn nhân giống như sự hợp tác thành lập công ty, không có đường tắt, cả hai phải biết cùng nhau chống lại rủi ro, và cùng nhau tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.
Như nhà văn Guo Moruo, ông có 3 người vợ và một người tình trong đời.
Lúc yêu, ông quan tâm đến họ, nhưng khi kết hôn, ông lại thường cảm thấy mệt mỏi và vì vậy đã xa cách dần.
Đến cuối cùng, hai người phụ nữ trong số đó đã chọn lựa tự vẫn, ôm hận suốt đời.
Ông ấy có hàng chục đứa con, nhưng tất cả bọn họ đều từ chối việc nhận người cha này.
Ở những năm cuối đời, Guo Moruo chỉ có thể thui thủi một mình.
Đừng “chơi đùa” với hôn nhân của mình, vì khi đến cuối đời, mất gia đình là mất tất cả.
Những cặp vợ chồng hạnh phúc có thể không giàu, nhưng họ biết cách quản lý hôn nhân của mình rất tốt.
Khi bước vào tuổi trung niên, hãy đối xử tốt với người bạn đời của mình. Bởi đó là người cùng bạn sẻ chia sự ấm áp đến cuối cuộc đời.
2. “Dưỡng” tốt nền giáo dục cho con cái
Mỗi đứa trẻ khi mới sinh ra đều là những tờ giấy trắng, và trên tờ giấy trắng ấy được viết những gì, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ.
Thế nên, muốn dạy con cái trở nên ngoan ngoãn, tài giỏi, không có điều gì quan trọng bằng việc bản thân tự mình làm gương.
Tôi từng thấy qua một hình ảnh thực tế rất đáng ngưỡng mộ:
Trên tàu điện ngầm, có hai mẹ con nọ ngồi cạnh nhau.
Người mẹ đang đọc sách, và khi cậu con trai nhìn thấy thế, cũng lấy sách trong cặp mình ra đọc hăng say.
Một bên ghế ngồi khác, là hai mẹ con nọ đang chụm đầu xem phim trong điện thoại.
So sánh hai cách giáo dục con cái này, sẽ thấy ngay số phận khác nhau của hai đứa trẻ.
“Những thói quen nào của bố mẹ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn?”
Một cư dân mạng đã trả lời thế này:
“Hơn 10 năm trời, cha tôi lúc nào cũng dậy sớm trước 6 giờ để đọc sách. Sau bữa cơm tối hằng ngày, cha mẹ đều sẽ cùng nhau ra ngoài chơi đánh cầu lông hoặc chạy bộ.
Và tôi cũng bị ảnh hưởng từ họ rất nhiều.”
Điều này chứng tỏ rằng: Giáo dục là một chặng đường dài, và người thầy giỏi nhất chính là cha mẹ. Họ có sức ảnh hưởng rất lớn đến con cái.
Chỉ khi cha mẹ trở thành những con người kỉ luật, thì con cái mới có thể ngày một hoàn thiện và trở nên tốt hơn.
3. “Dưỡng” tốt các mối quan hệ
Đến tuổi trung niên, chúng ta cần hiểu rõ hơn về các mối quan hệ xung quanh mình.
Trung tâm Nghiên cứu Stanford đã công bố một báo cáo khảo sát và chỉ ra rằng: Có 12,5% số tiền một người kiếm được đến từ kiến thức, còn 87,5% còn lại đến từ các mối quan hệ cá nhân.
Farage, chuyên gia mạng hàng đầu đã từng chia sẻ trải nghiệm của mình rằng:
Khi còn trẻ, anh ta từng làm Ball Boy ( người lấy và cung cấp bóng cho cầu thủ) trong một gia đình giàu có.
Mỗi sáng, anh ấy sẽ đi quanh sân, kiểm tra mọi ngóc ngách, xem có bóng lăn trên cỏ không. Và nhờ sự giúp đỡ của anh ta, mà người chủ luôn chiến thắng.
Farage cũng vì vậy mà thân thiết với người chủ, sau này ông ấy còn là quý nhân giúp đỡ anh rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp.
Ảnh hưởng của các mối quan hệ thực sự rất lớn. Loại người bạn kết giao, chính là loại người bạn sẽ trở thành.
Doanh nhân thì đi với doanh nhân, kẻ buôn chuyện thì đi với người tọc mạch,…
Nếu bạn muốn bản thân có năng lực và giá trị, thì nửa đời sau hãy học cách quản lý tốt các mối quan hệ cá nhân của mình.
4. “Dưỡng” tốt cuộc sống của chính mình
Ngay từ khi chúng ta được sinh ra, thì cuộc đời chúng ta đã được định sẵn, sớm muộn cũng sẽ phải đối diện với đủ loại buồn vui trong cuộc sống.
Nhưng đối với người thông minh, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, họ vẫn có thể điều chỉnh cho cuộc đời mình tỏa sáng rực rỡ.
Khi nhà văn Tiểu Mang còn nhỏ, gia đình cô ấy rất nghèo, nên cô ấy luôn nỗ lực hết mình.
Dù nhà dột nát, mẹ cô ấy vẫn cố gắng trồng hoa quanh nhà. Vào những ngày túng thiếu, mẹ còn bảo dẫn cô vào rừng đi dạo du xuân, nhưng thực chất là đi hái rau dại về ăn.
Sự ảnh hưởng tích cực từ mẹ đã khiến Tiểu Mang luôn tin vào chính mình.
Nếu bạn luôn phàn nàn về một vấn đề nào đó, nó sẽ ám ảnh bạn dù bạn ở bất cứ đâu.
Thế nên, hãy dùng trái tim chân thành mà đối diện với tuổi tác, với sự thay đổi của xã hội. Đây là cách tốt nhất để khiến tâm bạn luôn được an ổn trước sóng gió.
(Touliao)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị