Trong cuộc sống, đối nhân xử thế cũng có thể được coi là một môn học vô cùng sâu sắc, cho dù có dùng cả đời nghiên cứu cũng không thể học hiểu thấu triệt, nói đến thực hành được lại càng khó. Vì chữ “nhân” dễ viết, nhưng khó làm, còn chữ “tâm” nhìn đơn giản, nhưng khó hiểu. Trong nghệ thuật giao tiếp giữa người và người, có những điều nên hỏi và những điều không nên hỏi, điều gì nên nói và điều gì không nên nói, để có thể cân bằng được hai khía cạnh nêu trên là rất khó. Cho nên “không hỏi 3 chuyện, không nói 5 lời” là một nguyên tắc quan trọng trong đạo đối nhân xử thế và những người thực sự làm được mới là những người thông minh.
3 CHUYỆN KHÔNG HỎI
Không hỏi những chuyện không liên quan đến bản thân
Một số người có bản tính tò mò và luôn thích hỏi về những chuyện không liên quan đến họ. Thực tế, làm như vậy không những lãng phí thời gian và sức lực quý báu của mình, mà còn chẳng mang lại chút ý nghĩa hay giá trị gì, đôi khi còn bị người khác chán ghét.
Vì vậy, không hỏi những chuyện không liên quan đến mình giúp bạn vừa tiết kiệm được thời gian, sức lực, vừa có thể tránh được những mâu thuẫn, thị phi.
Không hỏi những gì người khác không nói
Đôi khi mọi người có vài chuyện không muốn nói hoặc không thể nói, vì vậy bạn nhất định phải chú ý, đừng hỏi một cách tùy tiện. Người ta đã không muốn nói, chắc chắn là có lý do riêng của họ, có thể đó là một chuyện riêng tư, không tiện công khai hoặc khó nói thành lời.
Vì vậy, một người biết tiến thủ, biết xử sự chừng mực sẽ không đi hỏi những điều mà người khác không muốn nói.
Không hỏi một cách “truy cùng đuổi tận”
Trong các mối quan hệ thường có những người như thế này, dù là hỏi về chuyện gì thì họ cũng luôn muốn “truy cùng đuổi tận”, không ngừng hỏi tới tấp cho đến khi mình biết hết ngọn ngành mới thôi.
Trên thực tế, cách xử sự như vậy thường khiến cho người khác cảm thấy rất ấu trĩ, phiền phức và khó chịu, đôi khi còn khiến đối phương lúng túng, không biết nên làm gì. Có thể thấy, biết dừng lại đúng lúc mới là người khôn ngoan.
5 LỜI KHÔNG NÓI
Không nói dối
Ai cũng biết, người ta ghét nhất là người nói dối.
Điều cấm kỵ nhất của một người là gặp chuyện gì cũng nói dối, không ai có thể đoán được lời nào của bạn là thật, bởi vì bạn nói dối như cơm bữa, dẫn đến chẳng còn ai dám tin tưởng bạn nữa, đánh mất lòng tin của mọi người dành cho mình là sự thất bại lớn nhất của một đời người.
Không nói lời “chém gió”
Trong cuộc sống hàng ngày, để thể hiện sự tự tin và quyết tâm thì việc thể hiện bản thân là một điều bình thường của con người. Nhưng có người lại rất thích “chém gió”, họ luôn thao thao bất tuyệt về những điều không có thật, khoe khoang khoác lác mà chẳng biết ngượng, chuyện “chém gió” tới cỡ nào cũng dám nói.
Hơn nữa có người còn có thể nói 1 thành 10, nói nghèo thành giàu, nói không thành có, v.v.. Những người thích nói khoác, họ giống như bong bóng nước vậy, suy cho cùng cũng chỉ là những người không có năng lực thực sự, như một cái bong bóng rất dễ bị chọc vỡ.
Không nói lời vô nghĩa
Đối nhân xử thế không thể chỉ nói những lời sáo rỗng, thường nói những điều vô nghĩa, thiếu thực tế, không chỉ khiến người khác chán ghét, mà còn làm mất lòng tin cơ bản của mọi người đối với bạn.
Vì vậy, những việc mình không làm được, những lời hứa mình không thể thực hiện, hoặc những việc vốn bất khả thi, thì tốt nhất nên nói rõ cho người khác biết thay vì dùng những lời nói suông để ngụy biện và che đậy.
Không nói lời oán trách
Oán trách một cách mù quáng không chỉ gây bực bội và phiền toái cho người khác, mà đối với bản thân, nó còn là một biểu hiện tương đối kém cỏi. Bởi vì trên đời sẽ không bao giờ có liều thuốc trị hối hận, suốt ngày than trời trách đất là một hành vi vô trách nhiệm.
Cho nên, hãy cố gắng đừng nói những lời hối hận, bực tức, chuyện đã qua chỉ nên gắng sức đề ra một số biện pháp khắc phục tốt nhất có thể mà thôi, từ nay về sau chú ý nhiều hơn là được.
Đừng nói những lời làm tổn thương người khác
Tục ngữ có câu: “Một câu nói thiện lành có thể giữ ấm ba mùa đông, một chữ ác lại tổn thương người tận sáu tháng hàn.” Lời nói mà một người không nên nói nhất đó là lời làm tổn thương người khác. Có việc gì thì cũng nên từ từ mà nói, nhất định không được vì tức giận nhất thời mà nói bậy nói bạ những lời làm tổn thương người khác.
Con người vốn rất giàu cảm xúc, một khi nhân phẩm, đạo đức và tôn nghiêm bị kích động đến điểm giới hạn, thì trong lòng sẽ rất buồn.
Vì vậy, đừng nói những lời làm tổn thương người khác, huống chi tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính mình. Bạn thấy có đúng không?
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị