Có một câu hỏi như này:
Làm thế nào để phán đoán một ứng viên tìm việc là nữ có mức lương cũ dưới 15 triệu?
Một giám đốc tiếp thị của một công ty nọ đã “rao giảng” một “kinh nghiệm” như này:
“Nếu ứng viên nữ ấy tới phỏng vấn, nói chuyện hơn nửa tiếng rồi mà cái balo vẫn ở trên lưng, có nghĩa là cô ấy không có cảm giác an toàn, khả năng hòa nhập cũng như thích ứng kém.
Trường hợp như vậy ở khu vực tôi, lương trước đó nhất định dưới 15 triệu.
Phụ nữ có mức lương 15 triệu trở lên có khả năng thích ứng mạnh mẽ, vừa ngồi xuống là sẽ bỏ balo ra, nên uống nước sẽ uống nước, nên vào phòng vệ sinh sẽ vào phòng vệ sinh.
Có người phản bác tôi nói rằng đó là thói quen đeo cặp của họ, tôi hỏi họ khi về nhà mình cũng đeo cặp ư?
Có phải khi về nhà, ai cũng sẽ cởi giày, đi vệ sinh, hoặc ngồi xuống ghế xem tivi, tuyệt đối sẽ không đeo chặt chiếc cặp trên lưng.”
Đọc được câu trả lời vô cùng tự tin này, tôi bất giác nghĩ tới thói quen đeo cặp của mình.
Không nhìn năng lực, chỉ thông qua thói quen đeo cặp mà đã tự tin phán định một người: “không có cảm giác an toàn, “không giỏi giao tiếp”, “năng lực thích ứng kém”… có phải là đã quá phiến diện rồi hay không?
Là một HR, kết luận mọi thứ thông qua sự phiến diện của bản thân, như vậy có phải là vô trách nhiệm với người khác?
Trong cuộc sống, không thiếu những kiểu người như vậy, luôn chủ động gán cho người khác một cái mác theo ý mình:
Nhìn cái cặp đang đeo là biết lương tháng ít hơn 15 triệu;
Nhìn thấy một cô gái ngồi trong chiếc BMW là cho rằng người ta ham tiền;
Đi ăn bít tết cũng đăng 9 cái ảnh, chắc chắn là chưa hiểu chuyện đời…
Một vài lời nói tưởng không đâu, rất nhiều khi lại là một cơn sóng thần đối với người khác.
Tác giả Virginia Woolf trong cuốn “To the lighthouse” có viết: “Cách nhìn của một người đối với người khác có một nửa là hoang đường. Cách nhìn này hoàn toàn xuất phát từ động cơ cá nhân của chính họ.”
Ác ý lớn nhất của một người là áp đặt sự hiểu biết của bản thân lên người khác và đưa ra những bình luận thiếu thận trọng trước khi bức tranh toàn cảnh được biết đến.
Lý Giai Kỳ, ông hoàng bán son môi của Trung Quốc từng phải đưa chú cún tên Never của mình “đi học”.
Khi ấy ở phần bình luận có rất nhiều lời ra tiếng vào như:
“Đúng là người có tiền, tiêu tiền như rác, đến chó cũng quý tộc hơn tôi.”
“Để Never làm đại diện bảng phấn mắt, tiền kiếm chưa đủ nhiều hay sao? Giờ lại muốn kiếm tiền bằng cách gây sự chú ý ư?”
Trên thực tế, những người nói ra những lời này không hề biết tình hình thực tế đằng sau.
Lý Giai Kỳ nuôi 5 chú chó đáng yêu, trong đó “nữ minh tinh Never” là chú chó nổi tiếng nhất.
Đứng trước điện thoại livestream, chú chó vô cùng hợp tác, không ngừng vẫy vẫy tay, đáng yêu tới mức làm trái tim người khác tan chảy.
Nhưng Never có một vài thói quen không tốt, chẳng hạn như thích đánh nhau với những chú chó khác, thích tranh giành, hay ghen tức.
Lý Giai Kỳ nói muốn cho Never và cách chú chó khác tới trường chuyên môn để chúng được huấn luyện, vì muốn chúng đi làm những chuyện có ý nghĩa hơn.
Cho chúng tham gia một vài hoạt động chữa lành của chó, dùng nụ cười của những chú cún để an ủi người già hay trẻ tự kỉ…
Đừng xem thường sức mạnh chữa lành của những chú chó, một cư dân mạng từng chia sẻ trải nghiệm của chính mình:
“Bản thân tôi từng mắc phải chứng trầm cảm nghiêm trọng, phải dựa vào thuốc và rượu để duy trì cuộc sống. Khi ấy cảm thấy thế giới vô cùng tối tăm, cảm giác như không ai có thể giúp được tôi.
Sau này tôi được tiếp xúc với một chú chó nhỏ màu vàng, lần đầu tiên ôm nó, tôi đã khóc, khi ấy, tôi quả thực cảm nhận được một tia hi vọng nhỏ bé.
Hiện tại tôi đang nuôi một chú Border Collie, một bé Bichon Frise và một bé Toy poodle, chứng trầm cảm cũng sớm đã khỏi từ lâu.”
Đưa chó “đi học, để chứng chữa lành cho nhiều người hơn, đây vốn dĩ là một việc làm hết sức lương thiện và giàu tình yêu thương.
Còn việc Lý Giai Kỳ bị chỉ trích vì dùng chó kiếm tiền, để chó làm đại diện cho bảng phấn mắt, thực ra số tiền anh kiếm được từ việc này đều được anh quyên góp hết cho Tổ chức bảo vệ động vật.
Một số người có thói quen suy đoán người khác với sự ác ý hay chỉ tay vào người khác với thành kiến.
Nhưng việc vội vàng đưa ra phán đoán mà không biết rõ sự việc sẽ gây ra nỗi đau không thể xóa nhòa cho những người liên quan.
Tiểu thuyết gia người Trung Quốc Wang Xiaobo từng nói: “Những người vội vàng đưa ra phán đoán phiến diện về người khác là người có trình độ rất thấp.”
Một người thực sự có văn hóa nên nhìn nhận một cách toàn diện sự việc rồi mới đưa ra phán đoán.
Một lần nọ, một bức ảnh của Hoàng tử William lan truyền trên Internet.
Nhiều người cảm thấy không thể tưởng tượng nổi: Vị hoàng tử vốn luôn dịu dàng, nho nhã kia thực sự lại chỉ ngón tay giữa vào máy ảnh sao?
Tuy nhiên, chỉ sau khi một phiên bản khác của bức ảnh được đưa ra ánh sáng, mọi người mới thực sự vỡ lẽ:
Bức ảnh này được chụp khi Công nương Kate đang mang thai đứa con thứ ba, và Hoàng tử William hào hứng giơ “3” trước ống kính: “Chúng tôi sắp đón đứa con thứ ba rồi đó!”
Đôi khi, một sự việc phải được nhìn từ một góc độ khác để có được bức tranh đầy đủ.
Đôi khi, những gì chúng ta nhìn thấy chưa chắc đã là sự thật, đôi mắt thường đánh lừa con người, vì vậy đừng vội phán xét.
Có một câu chuyện như này.
Khổng Tử khi đi chu du các nước, ông đã từng bị mắc kẹt giữa nước Chen và nước Cai, bảy ngày liền không có thức ăn để ăn.
Ban ngày, Khổng Tử ngủ để giữ sức, đệ tử Nhan Hồi ra ngoài xin cơm, không dễ dàng gì mới xin được ít gạo, liền vội vàng trở về nấu ăn.
Khi cơm gần chín, Khổng Tử ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu lên, vừa lúc thấy Nhan Hồi đang dùng tay bốc cơm trong nồi lên ăn.
Một lúc sau, cơm chín, Khổng Tử vờ như không thấy cảnh Nhan Hồi bốc trộm cơm, ông nói:
“Ta vừa mơ thấy cha mình. Nồi cơm này đằng nào cũng chưa đụng đến, lấy một chút ra để cúng tổ tiên đã rồi mới ăn.”
Nhan Hồi vội vàng nói: “Không được, cơm này không sạch sẽ. Lúc nãy khi nấu ăn có bụi bay vào nồi, nếu hớt chỗ đó ra vứt đi thì lãng phí quá nên con đã ăn chỗ cơm đó rồi.”
Lúc này, Khổng Tử mới biết rằng Nhan Hồi không hề ăn vụng cơm sau lưng mình, rồi xúc động nói với các đệ tử khác:
“Người ta đều nói mắt thấy thì là thật, nhưng nhiều khi mắt thấy chưa chắc đã đúng; người ta cũng thường nói hãy nghe theo tiếng nói nội tâm, nhưng nội tâm cũng có lúc lừa bản thân. Các đệ tử hãy nhớ kĩ, hiểu được một người không phải là chuyện dễ dàng.”
Rất nhiều khi những điều bạn nhìn thấy chưa chắc đã là toàn bộ chân tướng sự việc; những điều bạn hiểu cũng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trong cuốn “Giết con chim nhại”, có một câu nói rất hay rằng: “Bạn vĩnh viễn sẽ không thể hiểu được một người, trừ phi bạn mang giày của họ rồi đi đi lại lại, đứng từ góc độ của họ để nhìn nhận vấn đề.”
Khi chúng ta chưa nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của sự việc, liệu chúng ta có thể kiên nhẫn hơn và đừng dễ dàng đưa ra phán xét?
Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là “hiệu ứng hào quang”, nó dùng để chỉ việc chúng ta dễ dàng khái quát hóa một cái gì đó bằng kiến thức và kinh nghiệm cố hữu của bản thân.
Nó giống như mặt trăng bị vầng hào quang xuất hiện bao phủ, tạo ra hiện tượng quầng sáng mờ.
Nhưng giống như câu nói trong cuốn “Hoàng tử bé”: “Điều thực sự quan trọng không thể nhìn thấy được bằng mắt.”
Đừng vội kết luận khi chưa biết toàn bộ sự thật. Học cách im lặng đôi khi cũng là một loại văn hóa.
Đừng luôn làm như tôi hiểu tất cả mọi chuyện, tôi biết tất cả mọi thứ.
Tại những góc bạn không thể nhìn thấy, còn có rất nhiều điều mà bạn không biết!
https://cafebiz.vn/nhin-cach-deo-balo-biet-muc-luong-duoi-15-trieu-nhung-nguoi-voi-vang-phan-doan-phien-dien-ve-nguoi-khac-thuc-su-trinh-do-rat-thap-20220406161538409.chn