Suy cho cùng thì những người không kiếm được tiền đó, ít nhiều gì trong lòng họ cũng tự biết nguyên nhân xuất phát từ đâu, chỉ là họ không muốn nhìn nhận nó mà thôi.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ chủ yếu nói về “lười biếng”. Lười biếng là thủ phạm của một cuộc sống bất hạnh. Vậy lười biếng là gì?
1. Lười biếng là gì?
Tôi từng nghe ai đó nói rằng: “Lười biếng là không làm những điều nên làm.” Vậy, điều gì là nên làm và điều gì là không nên làm?
Ví dụ, giáo viên yêu cầu học sinh nộp bài báo cáo dài 6.000 từ vào tuần sau. Kế hoạch thông thường sẽ được sắp xếp như thế này: bạn sẽ viết 1000 từ mỗi ngày, như vậy thì 6 ngày bạn đã hoàn thành nó, ngày cuối cùng bạn chỉ cần đọc sơ qua để rà soát lại cả bài rồi đem nộp.
Nhưng thực tế luôn không như dự tính, nhiều người sẽ trì hoãn cho đến đêm của ngày cuối cùng, rồi sau đó mới hấp tấp viết một mạch 6.000 từ.
Như vậy, bài báo cáo đã không được hoàn thành một cách có kế hoạch và chất lượng, đó chính là điều nên làm và không nên làm, và hậu quả mà sự lười biếng gây ra.
Nhiều người luôn trong trạng thái hoảng loạn, rằng họ đang bối rối, gấp rút và không biết phải làm gì để cải thiện, nhưng thực tế là họ biết, chỉ là họ không làm mà thôi.
Có thể bạn cũng đã từng như thế này rồi: Khi làm việc nên làm thì lúc nào cũng không có thời gian, nhưng khi làm những việc không cần thiết khác (ăn, uống, vui chơi, v.v.) thì luôn có rất nhiều thời gian.
Đó là sự lười biếng, cũng vì vậy mà chúng ta không thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, và sống một cuộc đời xán lạn.
Lương tháng hơn chục triệu có khó không? Đối với nhiều người, điều đó rất khó khăn.
Tôi biết một người anh 27 tuổi, lương tháng của anh ta là 70 triệu, điều đáng nói là thu nhập này không phải ở đô thị loại 1 và 2 mà là ở đô thị loại 3 và 4.
Anh ấy không phải là một học sinh xuất sắc khi còn ở ghế nhà trường, ngoại hình cũng không quá đẹp đẽ gì, gia thế cũng không hiển hách, điều anh ta có chỉ là tính chịu khó và rất siêng năng.
Theo lời của anh ấy thì: “Chỉ cần mọi người không lười biếng, thì cuộc sống sẽ không tệ đến nỗi nào đâu.”
Nếu hiện tại bạn đang không có một cuộc sống tốt, mọi chuyện không suôn sẻ, thì hãy tự hỏi bản thân xem, có phải nguyên nhân là do sự lười biếng hay không? Có phải vì bạn chưa làm những việc nên làm hay không? Xin hãy suy nghĩ cẩn thận.
2. Tại sao chúng ta lười biếng?
Trên đời này không có bất kỳ một ai là lười biếng một cách tuyệt đối, một người cũng không.
Khi ai đó dí súng vào đầu bạn và yêu cầu bạn làm điều gì đó, đương nhiên bạn sẽ làm nó nhanh hơn bao giờ hết, vì bạn muốn sống sót.
Khi ai đó nói với bạn rằng chỉ cần bạn đọc mười cuốn sách trong một tuần, họ sẽ cho bạn 100 triệu, tôi chắc chắn bạn sẽ đọc nó, bởi vì bạn muốn có được số tiền này.
Khi cô gái bạn thích nhờ bạn mua chai nước cho cô ấy, dù là chạy đến nơi cách xa cả chục km, bạn cũng nhất định sẽ đi, vì bạn thích cô ấy.
Vì vậy, trên đời này không có người lười biếng tuyệt đối, cho nên có những lý do khiến chúng ta lười biếng và trì hoãn một cách nghiêm trọng.
Một là không có đủ động lực để làm việc cần làm, tức là công việc đó không có sức hấp dẫn nhiều đối với bạn.
Bạn đọc xong 10 cuốn sách trong một tuần và mua nước cho cô gái bạn thích. Lý do tại sao chúng ta không lười biếng trong những việc này là vì có một động lực mạnh mẽ bên trong thúc đẩy chúng ta làm điều đó.
Ngày thường, chúng ta nên đọc nhưng không đọc, chúng ta nên học nhưng không học, nên tập thể dục nhưng không vận động, chúng ta nên làm việc nhưng lại lười biếng, thường là do chúng ta không có đủ động lực bên trong.
Thứ hai, nhận thức hạn chế dẫn đến thiếu tính tự giác và hay trì hoãn trong hành động.
Lý do chúng ta thiếu động lực là vì trình độ nhận thức quá thấp. Khi bạn không nhận ra rằng sức khỏe quan trọng đến mức nào, bạn sẽ không nâng niu cơ thể của mình, khi bạn không nhận ra rằng thức khuya thực sự có thể giết người, bạn sẽ không đi ngủ sớm.
Khi bạn không nhận ra rằng đọc sách là cách hiệu quả nhất để phát triển bản thân, bạn sẽ không chủ động đọc sách; khi bạn không nhận ra rằng bạn có thể kiếm tiền bằng cách làm cho bản thân có giá trị, bạn sẽ không chủ động học hỏi và hoàn thiện bản thân, v.v..
Ngược lại, nếu như bạn có nhận thức như vậy thì khả năng thực thi sẽ được củng cố. Nhận thức càng sâu sắc thì khả năng bạn hành động sẽ càng mạnh mẽ.
Chúng ta quá lười biếng để hành động, quá lười biếng để chịu đựng gian khổ và quá gấp gáp muốn được thành công. Vấn đề cốt lỗi vẫn chính là trình độ nhận thức thấp gây ra, đây thường là khuyết điểm chí mệnh của con người.
3. “Bệnh lười giai đoạn cuối”, làm sao trị?
Sự lười biếng ngăn cản chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên ảm đạm. Làm thế nào chúng ta có thể khiến cho mình siêng năng và chăm chỉ hơn?
Dựa vào những gì đã phân tích bên trên, ta suy ra 2 kết luận:
Nâng cao trình độ nhận thức
Hãy nghe nhiều hơn các góc nhìn, xem nhiều hơn thế giới rộng lớn, vạn sự vạn vật, đọc những cuốn sách mà bạn hứng thú và tư duy một cách thường xuyên.
Tìm cách tăng cường động lực bên trong
Gần đây, tôi rất siêng thức dậy lúc 6 giờ mỗi sáng và chạy bộ cùng với bạn bè. Sở dĩ tôi không lười là vì tôi không dám lười, bộ ba chạy bộ buổi sáng của chúng tôi đã có thỏa thuận, rằng nếu không có lý do gì đặc biệt thì không ai được nghỉ, nghỉ không chính đáng sẽ bị phạt 1 triệu.
Tăng cường động lực bằng tiền phạt hoặc một hình thức phạt nào đó là một trong những cách hiệu quả giúp chúng ta vượt qua sự lười biếng. Nói trắng ra, thì nghĩa là thúc giục bản thân thông qua nhiều phương pháp khác nhau, tự ép mình làm việc nên làm.
Đường do người đi mà có, việc do người làm mà ra, chỉ cần chúng ta không lười biếng, cuộc sống nhất định sẽ không tệ đến nỗi nào!
https://cafebiz.vn/ban-toi-song-o-tinh-le-moi-27-tuoi-luong-da-70-trieu-dong-chi-can-khong-luoi-bieng-cuoc-song-at-khong-den-noi-nao-20220318142953164.chn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị