Ăn nhiều không có nghĩa sẽ khỏe mạnh hơn
Việc ăn uống rất quan trọng và có thể coi như một phần của văn hóa dưỡng sinh của người cổ đại. Xưa kia, Nhan Hồi, một đồ đệ nổi tiếng của Khổng Tử chỉ ăn rất ít và uống nước mỗi ngày, ông cho rằng như vậy đã là đầy đủ đáp ứng hoạt động của cơ thể. Người Trung Hoa cổ đại chỉ ăn hai bữa mỗi ngày với một lượng đồ ăn rất ít.
Người cổ đại ít khi ăn thịt và điều này giúp cho hệ tiêu hóa của họ tốt hơn. Họ coi việc ăn uống điều độ như một cách để giảm dục vọng ham muốn, làm nhạt đi khẩu vị, không ăn quá nhiều, giảm số lần ăn một ngày và chỉ người lớn tuổi mới ăn chút thịt.
Trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng ăn ngày càng nhiều thịt và các sản vật sơn hào hải vị từ động vật nói chung. Thậm chí đối với người ăn kiêng giảm béo thì thịt trở thành món ăn hàng đầu để cung cấp năng lượng và nói ‘không’ với ngũ cốc. Còn người cổ đại tin rằng bệnh tật chính là do ăn uống quá thường xuyên, ăn tạp và ăn quá mức. Người xưa đánh giá sức khỏe của một người qua năng lượng sống, sức khỏe tinh thần của người đó hơn là một thân hình đẫy đà.
Ngủ vừa đủ
Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày dường như đã trở thành quan niệm khoa học thường thức và một lối sống tiêu chuẩn của người hiện đại. Trên thực tế, những người ít ham muốn và sống với một nội tâm yên bình sẽ không cần ngủ nhiều đến thế. Thay vào đó, trước khi nằm xuống giường, người xưa sẽ tập trung hướng nội, nhìn lại bản thân mình để làm cho tâm trí trở nên yên tĩnh.
Một ngày của người xưa trôi qua với rất ít xung đột và một tâm hồn bình thản. Vì thế, họ dễ dàng ngủ một giấc thật sâu ngay khi ngả lưng xuống giường và thức dậy từ rất sớm mà không cần đồng hồ báo thức vào buổi sáng.
Dưỡng tâm để sống khỏe hơn
Người hiện đại chúng ta cho rằng luyện tập thể thao, tăng cường vận động có thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, nhưng thực tế người ta vẫn có thể bị bệnh. Người xưa coi việc dưỡng tâm chính là cách phòng bệnh tốt nhất nên họ luyện tập thư pháp, thư họa, võ thuật, thiền định và chơi cổ cầm.
Điểm chính yếu nhất của đạo dưỡng sinh chính là giữ cho thân thể và tinh thần hài hòa.
Trang Tử nói: “Tâm thanh tất tịnh, vô lao nhữ hình, vô dao nhữ tinh, nãi khả trường sinh”, chữ “thanh” và chữ “tịnh” ở đây cũng có ý muốn nhấn mạnh “tâm tĩnh” và “khí hòa”, câu nói của Trang Tử có nghĩa là chỉ cần tâm thanh tịnh, thì chẳng cần phiền tới cơ thể hay tinh thần, bạn vẫn có thể trường sinh bất lão.
Các danh nhân nổi tiếng trong lịch sử, mặc dù chìm nổi trong chốn quan trường nhưng họ vẫn giữ được một tinh thần lạc quan, khoáng đạt. Bởi có một phương pháp dưỡng sinh mà họ luôn tôn sùng, đó chính là thiền định.
Tăng Quốc Phiên là chính trị gia nổi tiếng đời nhà Thanh, cũng là nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Quốc. Mỗi ngày, cho dù bận rộn đến đâu, ông đều dành một khoảng thời gian nhất định để tĩnh tọa dưỡng sinh, ngồi nghiêm chỉnh, trấn tĩnh, thả lỏng cơ thể, tâm thái bình an.
Hay như nhà thơ nổi tiếng thời Đường Bạch Cư Dị, chìm nổi trong chốn quan trường vài thập niên, đến lúc tuổi già với bản tính đạm bạc trời sinh, thường thường tĩnh tọa tu thân, đến năm 80 tuổi vẫn tai thính mắt tinh.
Người có thể “trung hòa” ắt sẽ trường thọ, nhấn mạnh người bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên nên ăn uống điều độ, cư xử đúng mực, tư tưởng nên mở, nên khoan dung ra một chút. “Dưỡng tâm” chính là bí quyết mấu chốt của “dưỡng sinh”.
Thư giãn và giải trí
Khoa học hiện đại cho rằng con người không nên lúc nào cũng làm việc mà cần phải có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí. Và với lập luận đó, rất nhiều người trở nên cực đoan khi thư giãn “quá trớn” sau những ngày làm việc vất vả. Những bữa ăn thịnh soạn, hoạt động giải trí quá mức làm cho người ta càng mệt mỏi hơn và mau chóng già đi.
Trong khi đó, người xưa chú trọng tu dưỡng mọi lúc kể cả khi đi, đứng, nằm, ngồi. Họ luôn tìm kiếm sự bình yên trong nội tâm giữa môi trường ồn ào xung quanh. Họ luôn thư giãn ngay cả khi bận rộn nhất để có thể hoàn thành mọi việc trong một tâm thái an hòa. Cổ nhân cho rằng con người nên dựa vào những thay đổi cơ lý của vạn vật trong trời đất làm căn cứ để điều chỉnh tâm và thân của mình.
Người xưa chỉ rõ vận động hợp lý là then chốt, phương pháp dưỡng sinh trường thọ luôn đặt con người và sự vật trong thế động và cũng lấy đó để đạt được mục đích đem lại sự khoẻ mạnh về tâm hồn và thể xác cho con người. Y thư cổ viết : “hình bất động tắc tinh bất lưu, tinh bất lưu tắc khí uất” (cơ thể không vận động thì tinh không lưu thông được, tinh không lưu thông thì khí bị uất lại). Bởi vậy, cổ nhân khuyên nên “tập hít thở, thở ra khí cũ, hít vào khí mới, như con gấu vươn thân, con chim vỗ cánh là để sống lâu vậy” hay “hết thảy những ngày khí hậu bình thường, đều tuỳ trời nóng lạnh mà ra khỏi nhà đi bộ ba dặm, hai dặm, 300 bước, 200 bước đều tốt” (theo sách Bảo sinh danh) hay “theo đạo dưỡng sinh, không nên đi nằm sau khi ăn hoặc không ngồi suốt ngày, vì như thế làm khí huyết ngưng kết, lâu dần ắt tổn thọ” (theo sách Thọ thế bảo nguyên). Có thể nói, xa rời và thủ tiêu nguyên tắc vận động hợp lý thì cái gọi là “dưỡng sinh” sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Đạo dưỡng sinh của người xưa là để chỉ nội dưỡng, cũng chính là bắt đầu cải thiện môi trường nội bên trong cơ thể người, tu dưỡng nhân tâm, tu dưỡng nhân thể, từ đó mà có được sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng thịnh vượng, dồi dào.
(Visiontimes, Sohu)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị