1. Thiếu tôn trọng người lớn tuổi
Ai ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, ai rồi cũng sẽ có một ngày già đi. Kính trọng và giúp đỡ người cao tuổi không chỉ là vấn đề mà đất nước và xã hội cần quan tâm mà còn là việc mà mỗi gia đình cần thực hiện.
Có một bài thơ cổ ở Trung Quốc tên là “khuyến hiếu ca”, viết rằng: “Người bất hiếu với thân nhân, thì còn không bằng loài cầm thú.”
Một người, bất kể xuất thân từ gia đình nào, khi lớn địa vị tương lai thay đổi ra sao, thì ở trước mặt những người cao tuổi trong gia đình, họ cũng nên tôn trọng và giúp đỡ, vì những người đó không chỉ là người thân, mà còn là trưởng bối của họ.
Hãy thử nghĩ xem: Kể từ lúc chập chững biết đi cho đến khi trưởng thành, cha mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình đã lo lắng và yêu thương bạn đến cỡ nào? Một người cả đời phấn đấu vì sự ấm no của gia đình, nhưng khi về già lại bị con cháu ghẻ lạnh thì họ sẽ rất đau lòng.
Người trẻ ngày thường chỉ biết làm việc riêng, không quan tâm đến người già ở nhà, thậm chí còn tỏ vẻ không tôn trọng họ, thử hỏi một gia đình như thế thì làm sao có phúc khí được?
Trong gia đình, nếu có dấu hiệu như vậy thì xin đừng lơ là. Các thành viên trong gia đình nên có tình thương yêu, sự tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau, hiếu kính người cao tuổi là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình.
Muốn gia đình sung túc thịnh vượng, thế hệ trẻ cần phải biết kính trọng người lớn tuổi, quan tâm, chu đáo với người lớn tuổi và đặc biệt là thái độ phải lễ phép, ngoan ngoãn. Nên bồi dưỡng tình cảm với những người lớn tuổi nhiều hơn, để nếp sống này có thể trở thành một truyền thống tốt đẹp trong gia đình.
2. Làm việc không nói nguyên tắc đạo lý
Làm người và làm việc đều cần phải có nguyên tắc để kiểm soát và kỷ luật. Trong cuộc sống gia đình nếu ai cũng làm theo ý mình mà không có nguyên tắc thì đó cũng là lúc gia vận bắt đầu sa sút.
Hãy suy nghĩ về tình huống này: giáo dục con cái, nếu không có sự kỷ luật của các quy tắc, thì chắn chắc con cái sẽ không ngoan. Các bé sẽ không biết tôn trọng người khác, không biết khi nào nên học khi nào nên chơi, nếu vi phạm sẽ có hậu quả như thế nào, về lâu dài sẽ chỉ khuyến khích bầu không khí không lành mạnh và hình thành nhiều thói hư tật xấu.
Người lớn hành sự ngang ngược, vợ chồng không nói lý, thường xuyên cãi vã, anh chị em vô lý, ức hiếp lẫn nhau, bằng mặt không bằng lòng. Làm sao một gia đình như vậy có thể sống hạnh phúc, êm ấm được? Nếu chỉ biết gây ra mâu thuẫn thì khoảng cách giữa người với người sẽ ngày càng xa nhau hơn.
Bạn phải biết rằng nếu không có những ràng buộc của quy tắc thì gia đình sẽ không thể phát triển theo hướng lành mạnh đúng đắn, có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào và gia vận sa sút cũng là điều tất yếu.
Mọi thứ đều cần có sự kỷ luật hay ràng buộc nhất định. Kỷ luật là một việc rất quan trọng, cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Ví dụ, lòng sông là phần kiềm chế của sông, nếu nước sông chảy mà không có sự kìm hãm của lòng sông thì sẽ phát sinh lũ lụt. Đây chính là sự kỷ luật của dòng sông. Đường ray là một sự kỷ luật đối với tàu hỏa, nếu tàu hỏa mất đường ray thì sẽ không thể chạy được. Cũng giống như con người, nếu thiếu đi quy tắc và kỷ luật thì sẽ trở nên rất lộn xộn và đình trệ.
Một gia đình không chỉ cần thiết lập các nguyên tắc, mà còn phải thực thi nghiêm ngặt các nguyên tắc đó. Hãy thiết lập lối sống có nguyên tắc, không ngừng kỷ luật bản thân, để bản thân và gia đình phát triển hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Có câu: “Người biết yêu thương người khác, thì người khác cũng sẽ yêu lại họ. Người biết kính trọng người khác, thì người khác cũng sẽ kính trọng lại họ.”
Chúng ta cho đi thứ gì thì cũng sẽ nhận lại được thứ đó, chỉ cần sống có nguyên tắc, nói chuyện có lý lẽ thì gia đình sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.
3. Ham mê hưởng lạc, thú vui vật chất
Như câu nói: “Người trong thiên hạ vì lợi mà đến, người trong thiên hạ vì lợi mà bôn ba.” Vật chất là một thứ thực sự rất cám dỗ. Mọi người ai cũng muốn ăn món ăn ngon nhất, mặc loại quần áo đẹp nhất và sống trong ngôi nhà lớn nhất. Tất cả những điều này đều là thứ mà mọi người luôn khao khát.
Trong “kinh thánh” có câu: “Khi một người được sinh ra, hai bàn tay luôn sẽ nắm chặt, như thể muốn nói ‘Thế giới này là của tôi’. Khi từ giã cõi đời, đôi tay ấy sẽ mở ra, buông lõng, như muốn nói rằng: ‘Tôi đi và không mang theo bất cứ thứ gì’.”
Trong một gia đình, nếu ai cũng ham mê vật chất, chỉ ham hưởng thụ, vì phút sung sướng nhất thời của bản thân mà quên đi chí tiến thủ, thì cuối cùng nhất định sẽ trắng tay.
Người ham mê hưởng lạc luôn muốn với tới những thứ lấp lánh đầy mê hoặc ở bên ngoài và coi đó là của cải vĩnh cửu mà bỏ qua những nhân tố quan trọng khác. Nếu không kịp thời ngăn cản loại ham muốn này, thì cuối cùng tất sẽ dẫn đến sự suy thoái của bản thân và gia đình. Thử hỏi một gia đình được cấu thành từ những người như vậy thì làm sao có thể hưng thịnh được?
Hãy luôn nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình và chính bản thân rằng đừng quá coi nặng công danh lợi lộc, chúng ta có thể phấn đấu để đạt lấy một mức độ công danh nhất định, nhưng đừng quá đặt nặng và quan trọng hóa nó. Vì còn gì quan trọng hơn là giữ được một tâm hồn thanh tĩnh, sống trên đời và làm những việc mình thích làm, ngày qua ngày hiện hữu bình yên trong từng giây phút.
Đừng ham mê vật chất một cách mù quáng, hãy tu thân dưỡng tính, tập trung rèn luyện thân thể và tinh thần của bản thân, làm những việc có ý nghĩa hơn như đọc sách, du lịch, thể dục, v.v. để nâng cao hiểu biết, mở mang góc nhìn.
Tóm lại, nếu trong gia đình xuất hiện 3 hiện tượng trên thì bạn nên cẩn trọng. Để tránh gia vận sa sút, hãy làm thêm nhiều việc để tích phúc, vận may sẽ tự nhiên đến.
https://cafebiz.vn/gia-van-bat-dau-sa-sut-thuong-xuat-hien-3-dau-hieu-nay-phat-hien-sua-ngay-truoc-khi-khong-the-cuu-van-20220122221625249.chn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị