Từ điển Investopedia giải thích rằng Giấc mơ Mỹ là niềm tin rằng bất kỳ ai, bất kể họ sinh ra ở đâu hay thuộc tầng lớp nào, đều có thể đạt được phiên bản thành công của riêng mình trong một xã hội nơi mọi người đều có thể tiến lên phía trước. Giấc mơ Mỹ đạt được thông qua sự hy sinh, chấp nhận rủi ro và làm việc chăm chỉ thay bằng vận may.

Sau đây là tâm sự của một bà nội trợ người Việt hoàn thành Giấc Mơ Mỹ nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc học hành. Chị là Đặng Thanh Hằng học ngành Công nghệ sinh học (Biotechnology) tại trường San Diego Miramar College, California, Mỹ được đăng tải trên một trang nổi tiếng của du học sinh tại Mỹ.

Bạn có tin vào Giấc Mơ Mỹ hay không? Mọi người hay bảo tôi rằng thời đại này làm gì còn chỗ cho “giấc mơ,” rằng cánh cửa đến Giấc Mơ Mỹ đã khép lại từ lâu. Riêng tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng Giấc Mơ Mỹ vẫn còn tồn tại, và tôi đang trên con đường thực hiện Giấc Mơ Mỹ của riêng mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Hà Nội những năm đầu thập kỷ 80, tuổi thơ tôi hiểu thế nào là cái đói. Hơn ai hết, tôi thấm được cái rét của miền Bắc tê tái đến mức nào khi không có đủ cơm ăn và áo ấm. Thời gian vui vẻ nhất tuổi thơ tôi có lẽ là những ngày giáp tết, khi các anh chị em họ được sắm áo đẹp chơi tết và cho lại tôi những bộ quần áo không còn vừa nữa. Vậy là tôi có quần áo “mới” để diện Tết! Có lẽ vì thế, suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi luôn là làm sao để kiếm một công việc có thể tự nuôi sống được bản thân. Mơ ước là một điều gì đó quá xa xỉ đối với tôi.

Sau khi ra trường, tôi đã từng ở lại trường làm giảng dạy và làm việc tại Trung Tâm Tiếng Anh Language Link Vietnam với mức lương đủ sống. Cuộc sống có lẽ sẽ cứ trôi đi một cách bình lặng như vậy nếu như bạn trai tôi lúc đó (ông xã tôi bây giờ) không nhận được học bổng tiến sĩ ở thủ đô Viên nước Áo. Lãng mạn và liều lĩnh, tôi quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim, bỏ lại tất cả sau lưng, theo chồng rời Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân ra khỏi mảnh đất Hà Nội thân thương. Không ngờ rằng từ đây, một chương mới dài đằng đẵng của cuộc đời tôi trong cương vị một bà nội trợ, một người mẹ bắt đầu!

Gần năm năm dài ở Châu Âu, điều kiện visa và hoàn cảnh thực tế không cho phép tôi đi học hay làm việc như ý định ban đầu. Nhưng cũng tại đây, tôi được nghe về Giấc Mơ Mỹ, và tôi luôn khao khát một ngày nào đó tôi sẽ có một Giấc Mơ Mỹ cho riêng mình. Khi ông xã xin được việc sau tiến sĩ tại California, tôi sung sướng nghĩ rằng cơ hội của mình đã đến… Và tôi có bầu. 

Giấc mơ Mỹ của một bà nội trợ Việt suýt tự tử vì buồn tủi, bắt đầu học đại học ở tuổi 34: Tôi sẽ về để xây dựng quê hương, khi hoàn thành Giấc Mơ Mỹ của mình! - Ảnh 1.

Sau ca sinh khó, với những vết khâu chằng chịt ở tầng sinh môn, tôi không tự đi nổi trong vòng vài tháng đầu. Mỗi lần muốn di chuyển quanh căn hộ chật hẹp, tôi phải bò bằng cả hai tay hai chân. Mỗi đêm thức dậy cho con bú là mỗi lần tôi bị những cơn ngứa do mề đay hành hạ. Không người thân hay bạn bè bên cạnh, tôi kiệt sức và buồn tủi đến cùng cực. Nhiều lúc con quấy khóc, đặt con trong cũi, tôi chạy ra ban công, chỉ muốn gieo mình xuống đó và kết thúc tất cả!

Ánh sáng duy nhất giúp tôi tồn tại là những giây phút ôm con vào lòng, bàn tay bé xíu của con nắm chặt lấy ngón tay tôi, và con cười! Nhìn vào ánh mắt ngây thơ trong veo ấy, tôi chợt nhận ra rằng tôi cần phải mạnh mẽ, vì con! Từ đó, mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi thường tự nhủ, một khi mình đã có thể vượt qua những ngày tháng đen tối ấy, sẽ không còn gì trên đường đời có thể ngăn cản bước chân của mình nữa.

Giấc mơ Mỹ của một bà nội trợ Việt suýt tự tử vì buồn tủi, bắt đầu học đại học ở tuổi 34: Tôi sẽ về để xây dựng quê hương, khi hoàn thành Giấc Mơ Mỹ của mình! - Ảnh 2.

Chị Hằng và con trai.

Với suy nghĩ đó, ở tuổi 34, tôi quyết định cho mình một thêm cơ hội bằng cách gửi con đi trẻ, trở lại trường đại học, bắt đầu từ con số không với ngành công nghệ sinh học. Bố mẹ, người thân, bạn bè ai cũng cho rằng tôi dở hơi. Họ chọc, “ba mấy tuổi, con cắp nách rồi còn học… ở nhà trông con cho đỡ phí tiền, phí thời gian… bao giờ thì mới đi làm kiếm tiền, học gì mà học mãi thế?!” Thật lòng khi quyết định quay lại trường học, tôi cũng có nhiều suy nghĩ tương tự. Tôi băn khoăn liệu rằng tôi có quá ích kỷ khi gửi con nhỏ đi trẻ để chạy theo giấc mơ của mình? Liệu có quá liều lĩnh khi bắt đầu theo khoa học ở tuổi ngoài 30? Liệu rằng tôi có theo nổi khoa học không khi mà tôi chẳng có gì ngoài ít vốn liếng ngoại ngữ? Hay là làm theo bạn bè cũng theo chồng đi du học, tự hài lòng với việc chăm sóc chồng con?

Nhưng rồi tôi tự hỏi liệu mình có hạnh phúc không khi sống cuộc sống giống như vậy? Tôi sẽ không thể nuôi con hạnh phúc nếu bản thân mình không hạnh phúc, và đây sẽ là cơ hội duy nhất để thay đổi cuộc đời. Tôi muốn con trai bé nhỏ biết rằng ngoài công việc nhà, mẹ cũng có đam mê và cố gắng hết sức để thực hiện đam mê đó. Tôi muốn con thấy rằng với nỗ lực và quyết tâm, mẹ của con có thể học tốt dù bắt đầu lúc không còn trẻ nữa và không có chút kiến thức nền nào trước đó cả. 

Quan trọng hơn cả, mẹ mong Alex bé nhỏ hiểu rằng không có con đường dễ dàng nào để dẫn đến thành công. Nhưng khi thử thách càng lớn, thành công của con sẽ càng có ý nghĩa hơn. Mong rằng khi lớn lên, Alex sẽ biết ước mơ, cố gắng để thực hiện được ước mơ ấy, và tìm thấy hạnh phúc trên con đường đến ước mơ. Hạnh phúc của con là mong mỏi lớn nhất cuộc đời mẹ.

Khi quyết định trở lại trường học, bên cạnh những suy nghĩ về con trai Alex, tôi còn mong sẽ đóng góp một phần nhỏ bé cho bức tranh lớn của cộng đồng. Tôi muốn chứng minh rằng ai cũng có cơ hội thứ hai. Ai cũng được phép ước mơ, và ước mơ không bao giờ là muộn. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng phụ nữ không nhất thiết phải hạn chế thế giới của mình từ căn bếp ra ngoài chợ và tự hài lòng với thế giới đó. Chúng tôi có thể khám phá thế giới rộng lớn nếu chúng tôi muốn. Chúng tôi có thể giỏi ở bất cứ lĩnh vực nào nếu chúng tôi muốn và được tạo điều kiện.

Với những suy nghĩ đó, tôi dồn sức lực và tâm trí vào công việc học tập. Sau khi hoàn thành việc nhà, con trai đã say giấc, lúc mà mọi người bắt đầu nghỉ ngơi thì đó là lúc tôi bắt đầu học bài. Một tay ôm con bú, một tay đọc bài chuẩn bị cho thí nghiệm ngày hôm sau là cảnh tượng thường thấy tại nhà tôi. Vừa ngồi dựa vào thành giường ôm con sốt nóng như hòn than, vừa hoàn thành nốt bài tập đến hạn vào này hôm sau là chuyện như cơm bữa. 

Cuối cùng, tất cả nhưng cố gắng ấy đã được đền đáp. Hai năm trôi qua, tôi đạt điểm A cho tất cả các lớp. Tôi nhận được học bổng “Women in Science” của trường San Diego Miramar College vào tháng 4 năm 2019. Với GPA tối đa 4.0, tôi hoàn thành the Certificate of Achievement with highest honor của ngành công nghệ sinh học vào tháng 5 năm 2019. 

Từ một bà nội trợ quanh quẩn trong bếp, giờ tôi là quản lý quan hệ cộng đồng (Public Relations Director) cho câu lạc bộ Hoá Học (Miramar College Chemistry Affiliate) và San Diego Miramar Phi Theta Kappa, cộng đồng cho honor students tại các trường đại học 2 năm. Sắp tới đây, kỳ mùa thu năm 2019, tôi sẽ trở thành chủ tịch sáng lập câu lạc bộ Sinh Học tại San Diego Miramar College. Hơn nữa, tôi đã và đang bắt đầu kiếm được chút thu nhập bằng công việc trợ giảng tại trường.

Giấc mơ Mỹ của một bà nội trợ Việt suýt tự tử vì buồn tủi, bắt đầu học đại học ở tuổi 34: Tôi sẽ về để xây dựng quê hương, khi hoàn thành Giấc Mơ Mỹ của mình! - Ảnh 3.

Chị Hằng tại phòng nghiên cứu.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng tôi được tái sinh tại Mỹ, nơi tôi được tạo cơ hội để ước mơ và cố gắng hết sức cho ước mơ của mình. Ông bà Alex hay nhìn tôi xót xa, “sao vất vả quá thế hả con? Hay về đi!”.

Vâng, con sẽ về chứ! Về để xây dựng quê hương, khi con hoàn thành Giấc Mơ Mỹ của mình!


PV

Theo Nhịp Sống Kinh Tế