Nghiên cứu đã chỉ ra, quản lý tiền bạc là một trong những việc khó khăn nhất của cuộc sống. Khi đã biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Đó là lý do vì sao trẻ em Do Thái phát triển thành công hơn và có sự hài lòng hơn với cuộc sống.
Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số, nhưng số người Do Thái giành được giải Nobel lại chiếm tới 20% tổng số giải thưởng toàn thế giới. Người Do Thái đã có những đóng góp lớn cho thành tựu của nhân loại và những bài học của họ luôn đáng để chúng ta học hỏi. Trong số đó, cách họ dạy trẻ con quản lý tiền bạc khiến cha mẹ Á Đông rất nên học hỏi.
Trẻ em cần có nhận thức đúng đắn về tiền ngay từ nhỏ
Người Do Thái rất coi trọng việc giáo dục con cái. Một trong những nội dung giáo dục quan trọng, đó là bồi dưỡng ý thức, quan niệm về tiền bạc. Họ áp dụng triệt để chế độ cùng làm cùng hưởng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không được hưởng. Tiêu chuẩn thù lao được quyết định bởi mức độ khó – dễ của công việc, không liên quan đến tuổi tác. Rất nhiều gia đình Do Thái áp dụng phương pháp giáo dục này để giáo dục con cái về tiền bạc. Đây cũng chính là cách họ giáo dục và bồi dưỡng cho con về đạo đức và nhân cách làm người.
Mục đích của việc làm cho trẻ hiểu được giá trị sức lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản không chỉ đơn thuần là trang bị tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Hàm nghĩa thâm sâu hơn, đó là giúp trẻ có những hiểu biết cần thiết và có nhân sinh quan đúng đắn không chỉ đối với tiền bạc mà còn với cả cuộc đời. Đó là của cải có được nhờ sức lao động, của cải chân chính do tự mình làm ra. Làm nhiều được nhiều, làm ít được ít, không tham lam phần của người khác, không sống ỷ lại vào người khác, ỷ lại và lợi dụng vào quyền lực nào đó mà kiếm lợi riêng.
Người Do Thái bồi dưỡng cho con ý thức về tiền bạc sớm như vậy là để cho chúng biết cách đầu tư hợp lý, cách có được của cải, cách quản lý tài sản của mình. Thông qua sự giáo dục sớm này, giúp trẻ tích lũy nhiều kinh nghiệm cần thiết cho sự thành công sau này. Bởi vậy, muốn con cái trở nên giàu có nhờ biết cách kiếm tiền chân chính thì việc bồi dưỡng ý thức về tiền bạc cho trẻ là điều không thể thiếu.
Một thương nhân đã kể về việc mình giáo dục con cái đối với vấn đề tiền bạc như sau: “Tiền tiêu vặt tôi cho hai cô con gái không phải hôm nào cũng có mà dựa vào mức độ và khối lượng công việc chúng làm. Tôi giao ước với chúng là nếu sáng dậy cắt cỏ trong vườn thì được 10 đồng, mua một phần ăn sáng được 2 đồng… Tôi không bao giờ phân tuổi lớn nhỏ đối với chúng, mà áp dụng chế độ thù lao theo công việc”.
Người Do Thái cho rằng, tiền bạc không phải là thứ làm vấy bẩn tâm hồn trẻ thơ. Cho trẻ tiếp xúc sớm với tiền sẽ rất có ích trong việc bồi dưỡng tài kinh doanh cho chúng.
Bồi dưỡng ý thức về tiền thích hợp theo từng độ tuổi
Các chuyên gia giáo dục phương Tây cho rằng, trong số những người Do Thái có rất nhiều người giàu có, đó không chỉ là do sự nỗ lực và phấn đấu của bản thân họ, mà còn do từ nhỏ họ đã được bồi dưỡng ý thức về tiền bạc. Sự bồi dưỡng ý thức về tiền bạc, về kinh tế được bắt đầu khi trẻ 3 tuổi, các bậc cha mẹ sẽ lập kế hoạch thích hợp cho từng độ tuổi của con:
Từ khi trẻ bắt đầu tập nói, cha mẹ người Do Thái đã dạy con cách phân biệt tiền, dạy chúng hiểu tiền có thể mua những thứ chúng muốn và quan trọng hơn là tiền từ đâu mà có.
Từ 3 – 4 tuổi: Học cách nhận biết chủng loại tiền, nhận thức giá trị trên tiền nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ.
Từ 4 – 5 tuổi: Mua những đồ đơn giản dưới sự giám sát của người lớn.
Từ 5 – 6 tuổi: Dạy cho trẻ biết rằng tiền kiếm được không dễ, muốn có được nó phải lao động vất vả.
Từ 6 – 7 tuổi: Có thể đếm 1.000 – 5.000 đô la, biết “bỏ ống” tiết kiệm tiền, bồi dưỡng ý thức “đây là tiền của con”.
Từ 7 – 8 tuổi: Tự xem và hiểu giá trị ghi trên bao bì sản phẩm, có thể tự so sánh với số tiền trong túi mình, phán đoán mình có đủ khả năng mua món hàng đó không.
Từ 8 – 9 tuổi: Hiểu cách gửi tiền ở ngân hàng, có thể tự làm việc kiếm tiền tiêu vặt như bán báo, đánh giày, làm việc nhà…
Từ 9 – 10 tuổi: Biết phân bổ hợp lý số tiền trong tay mình, khi đi mua hàng có thể mặc cả với chủ cửa hàng, khi tự bán đồ thì cò kè kiếm từng đồng để học cách giao dịch. Không được coi thường giá trị của một đồng tiền.
Từ 10 – 12 tuổi: Đích thân thể nghiệm kiếm tiền không phải là chuyện dễ dàng nên phải có ý thức tiết kiệm nhất định.
Từ 12 tuổi trở lên, trẻ có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh giống như người lớn.
Người Do Thái dạy cho con cách quản lý tài sản không phải để biến chúng thành những cái máy kiếm tiền rồi tiêu tiền, mà là để giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn, biết trân trọng đồng tiền và sức lao động. Con cái sẽ có quyền tự quyết định chi tiêu. Ngay cả khi chúng mắc sai lầm, cha mẹ cũng không can thiệp để mắng mỏ hay giúp đỡ. Trẻ sẽ tự học hỏi sau những thất bại. Bằng cách này, chúng sẽ sáng tạo hơn trong quá trình ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị