01. “Khu vườn hoàn hảo” của chú tiểu

Các ngôi đền Phật giáo ở Nhật Bản thường nổi tiếng với những khu vườn xinh đẹp. Mấy năm trước, có một ngôi đền được cho là có khu vườn đẹp nhất. Du khách từ khắp nơi đến tham quan đều trầm trồ trước sự sắp đặt tinh tế của khu vườn và vẻ đẹp giản dị mà phong phú của nó.

Một lần có vị sư già đến thăm ngôi đền ấy. Ông đến nơi rất sớm, trước khi cả mặt trời mọc. Ông muốn khám phá xem tại sao khu vườn lại được xem là nơi làm rung động lòng người đến thế. Vì lý do đó, ông ẩn mình sau một bụi cây to để có thể quan sát toàn cảnh khu vườn.

Ông thấy một chú tiểu làm vườn từ trong đền đi ra, tay xách hai cái giỏ làm bằng cây liễu gai. Suốt ba tiếng đồng hồ sau đó, ông thấy chú tiểu cẩn thận nhặt từng cái lá rụng và nhánh cây gãy bên dưới tàn cây mận ngay giữa vườn. Mỗi khi nhặt từng chiếc lá và nhánh cây, chú tiểu cẩn thận lật nó qua lại, ngắm nghía và trầm tư hồi lâu, rồi đặt nhẹ nhàng chúng vào trong một giỏ rác. Sau khi đã thu nhặt và trầm tư về những cái lá và cành cây và đổ giỏ rác ấy thành đống phía sau ngôi đền, chú nghỉ tay uống trà và thư giãn tâm trí.

Nghỉ ngơi xong, chú tiểu lại dành thêm ba tiếng đồng hồ để đặt từng chiếc lá, cành cây vào đúng chỗ của nó trong khu vườn một cách cẩn thận, chăm chú và thành thạo. Nếu chưa hài lòng với vị trí của một cành cây, chú sẽ xoay hoặc đẩy nó tới một chút cho đến khi nào hài lòng thì mới chuyển sang cái lá tiếp theo. Không ai có thể tỉ mỉ bằng chú. Khi chú làm xong, cả khu vườn trông thật hoàn hảo, không chê vào đâu được.

Lúc đó, nhà sư già bèn bước ra khỏi lùm cây. Sau nụ cười đã móm mém vì những chiếc răng rụng, ông khen ngợi chú tiểu làm vườn: “Giỏi lắm! Làm giỏi lắm! Ta đã quan sát con cả buổi sáng nay. Sự chăm chỉ của con thật đáng ca ngợi! Còn khu vườn của con nữa… Chà! Khu vườn của con gần như đã hoàn hảo”.

Gương mặt của chú tiểu trắng bệch. Cả thân người của chú cứng đờ. Nụ cười hài lòng tuột khỏi môi chú. “Ý thầy… là gì… ạ? Gần như đã hoàn hảo?”, chú sợ hãi lắp bắp và phủ phục dưới chân vị sư già, “Thưa thầy! Ôi thưa thầy! Xin hãy động lòng trắc ẩn… Hẳn thầy đã được đức Phật phái đến để chỉ cho con cách làm cho khu vườn này trở nên hoàn hảo. Xin hãy dạy cho con, thưa thầy! Hãy chỉ cho con cách ấy!”

“Thế con có thật sự muốn ta chỉ cho không?”, vị sư già hỏi, gương mặt già nua của ông nhăn nhúm đầy vẻ hóm hỉnh.

“Có ạ, xin thầy hãy làm ơn, thưa thầy!”, chú tiểu đáp.

Thế là nhà sư già bèn bước ra giữa vườn. Ông choàng đôi cánh tay đã già nhưng vẫn còn mạnh mẽ quanh cái cây mận đầy lá. Rồi với một giọng cười như thánh, ông lắc mạnh cái thân cây! Lá, cành và vỏ cây rơi khắp nơi, nhà sư già vẫn không ngừng lắc. Cho đến khi trên cây không còn chiếc lá nào rơi xuống nữa thì ông mới dừng lại.

Chú tiểu kinh hãi. Cả khu vườn đã bị phá huỷ. Cả công trình buổi sáng của chú coi như đã đổ sông đổ bể. Nhưng nhà sư nhìn quanh, tâm đắc trước những gì mình vừa làm. Với một nụ cười có thể làm tan biến mọi giận dữ, ông nhẹ nhàng nói với chú tiểu: “Bây giờ thì khu vườn của con hoàn hảo rồi đó!”

Khu vườn hoàn hảo của chú tiểu và bài học về sự nghỉ ngơi đích thực của người khôn ngoan - Ảnh 1.

02. “Những gì đã làm xong thì đã xong”

Có câu chuyện được kể lại về một nhà sư ở Thái Lan như sau. Ở Thái Lan, gió mùa bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài cho đến tháng 10 nên suốt thời gian này, các nhà sư tạm thời dừng việc đi lại khắp nơi, gạt sang bên mọi công việc để chỉ chú tâm vào việc học và thiền định. Giai đoạn này được gọi là “Vassa” hay “Ẩn dật mùa mưa”.

Một vị sư trụ trì nổi tiếng ở miền nam Thái Lan đang xây một khu nhà mới trong tu viện giữa rừng của mình. Khi đến mùa Vassa, ông cho dừng công việc lại và bảo những người thợ xây hãy về nhà. Đó là thời gian tĩnh lặng trong tu viện của ông. Vài ngày sau, có một vị khách đến và trông thấy cái công trình dang dở nửa chừng ấy bèn hỏi vị sư trụ trị rằng khi nào thì nó mới khánh thành. Không ngần ngừ, nhà sư già đáp ngay: “Nó xong rồi đấy chứ!”.

“Ý thầy là sao cơ? Nó xong rồi đấy sao?”, vị khách ngạc nhiên. “Mái còn chưa xong. Lại không có cửa cái hay cửa sổ. Khắp nơi còn ngổn ngang gỗ và các bao xi măng. Chẳng lẽ thầy cứ để như vậy sao? Thầy có bị làm sao không đấy? Ý thầy là sao khi nói rằng nó xong rồi?”

Vị sư già mỉm cười và nhẹ nhàng đáp: “Những gì đã làm thì đã xong” rồi bỏ đi thiền. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể lui về ẩn dật hay nghỉ ngơi. Bằng không, công việc, của chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn tất.

Khu vườn hoàn hảo của chú tiểu và bài học về sự nghỉ ngơi đích thực của người khôn ngoan - Ảnh 2.

03. “Nếu chỉ chú ý đến khiếm khuyết, chúng ta sẽ không bao giờ thấy bình yên”

Thật ra, chính khu vườn lộn xộn cũ kỹ hay một công trình dang dở của chúng ta mới thật là hoàn hảo. Nếu ta nhìn vào phần việc đã làm được thay vì chú tâm vào cái còn lại, ta sẽ hiểu ra rằng những gì đã làm thì đã xong. Còn nếu chỉ chú ý đến khiếm khuyết, đến những điều cần chỉnh sửa, chúng ta sẽ không bao giờ thấy bình yên.

Người làm vườn hay người xây nhà thông minh sẽ tận hưởng những thời khắc thanh thản, bình yên giữa cái chưa-hoàn-hảo-nhưng-lại-là-hoàn-hảo, không nghĩ ngợi, không bị bó buộc bởi kế hoạch hay cảm thấy có lỗi.

Tất cả chúng ta đều xứng đáng được buông bỏ mọi thứ để tận hưởng đôi chút bình yên. Những điều gì cướp mất sự bình yên của chúng ta thì cứ để chúng tự nhiên đó. Rồi sau khi đã có được những phút bình yên cứu rỗi đầy quan trọng, ta lại tiếp tục các nghĩa vụ của mình với khu vườn lộn xộn hay ngôi nhà đang xây dang dở.

Khi hiểu được cách làm thế nào để tìm thấy sự bình yên trong khu vườn hay căn nhà của mình, ta sẽ biết cách tìm thấy sự bình yên mọi lúc, mọi nơi. Ta sẽ biết cách làm thế nào để tìm thấy sự bình yên trong “khu vườn của trái tim”, ngay cả vào những lúc chúng ta nghĩ rằng mọi thứ thật hỗn độn vì có quá nhiều thứ phải làm…

Khu vườn hoàn hảo của chú tiểu và bài học về sự nghỉ ngơi đích thực của người khôn ngoan - Ảnh 3.

Câu chuyện được kể từ thiền sư Ajahn Brahm trong cuốn sách “Mở cửa trái tim”. Những cuốn sách khác của ông đã được xuất bản tại Việt Nam bao gồm: “Buông bỏ buồn buông”, “Tâm từ”, “Hạnh phúc đến từ sự biến mất”.

Ajahn Brahm tốt nghiệp ngành vật lý lý thuyết tại đại học Cambridge và đi dạy được 1 năm thì đến Thái Lan để tu học và trở thành thầy tu. Hiện ông là tu viện trưởng của tu viện Bodhinyana. Ông đến nhiều nơi trên thế giới để nói về các câu chuyện của nhà Phật, về hạnh phúc, bình an.

Trong các cuốn sách của mình, thiền sư kể lại những mẩu chuyện với những tình tiết vui tươi, lồng ghép những suy tư từ trải nghiệm của thầy từ khi chưa xuất gia cho đến khi mới bắt đầu quy y, đến tận lúc đã là trụ trì. Những câu chuyện này giúp bạn đọc khám phá những điều tươi đẹp trong thế giới nội tâm, chiêm nghiệm những triết lý thâm sâu của đạo Phật.


Nguyên Thảo