Không lẽ năm nào cũng vậy?
01
Sáng tôi đi tập huấn, thầy tôi là một doanh nhân có nhà máy ngàn tỷ nói: “Nếu sáng sớm thức dậy, bạn NGHĨ ĐẾN MỘT VIỆC DUY NHẤT LÀ “đi học” thì khi ra trường, sáng dậy, cũng một việc duy nhất là “đi làm”. Một người mà sáng mở mắt chỉ biết đến một việc là đi học và đi làm, thì tương lai sẽ vô cùng xám xịt.
Nhiều người phàn nàn: “Người ta sao ngày càng giàu hơn?” hay “Các công ty người ta mở rộng kinh doanh đủ ngành nghề, hay thật?”. Nhiều người rất muốn KIẾM TIỀN nhưng không biết nghĩ CÁCH làm, và cũng không DÁM làm, và cứ thế để mọi thứ trôi tuột. Chúng ta để mặc cho các sếp nghĩ giùm, và não bạn sẽ bị “teo”.
Quá trình công tác cho tôi cơ duyên gặp đại đa số các chủ doanh nghiệp, họ đều là người vươn lên từ đôi bàn tay trắng chỉ vì họ dành thời gian để suy nghĩ và hành động để thay đổi.
“Nhưng nếu bạn luôn để cho người khác nghĩ giùm mình, bạn phải trả rất nhiều tiền để một người suy nghĩ thay bạn. Bạn sẽ trở thành một người phụ thuộc tư duy và bị cuốn theo suy nghĩ của người khác”, trích lời thầy tôi nói.
02
Anh Phương là anh họ của tôi. Từ năm cuối đại học, anh đã lập một thương hiệu quần áo và dành nhiều thời gian suy nghĩ về cách phát triển nó. Anh đã mất 1 tháng ngồi ngẫm nghĩ mỗi ngày chỉ để nghĩ ra một cái tên thương hiệu. Anh nghĩ về khách hàng, về nhà cung cấp, về cách tiếp thị, về dòng tiền và giá bán, lợi nhuận mọi lúc mọi nơi. Sau đó, anh tôi triển khai.
Anh phóng xe máy đi chào bán hàng. Anh gặp gỡ nhà phân phối. Anh tiếp thị mọi lúc mọi nơi, nghĩ liên tục cách nào để phát triển nó. Chỉ sau 4 năm, anh đã kiếm được 23 tỷ đồng lợi nhuận năm rồi, coi như gần 1 triệu USD. Không phải ai xa lạ, mà chính là anh con ông bác ruột, một nông dân chính hiệu.
Tôi ít suy nghĩ hơn anh nên tôi chưa thành công. Tôi học hành giỏi hơn nhưng chủ yếu là học vẹt chứ không suy nghĩ nhiều. Tôi phải nghĩ cách để cải thiện cuộc sống của mình và của những người khác xung quanh tôi, nhất định như vậy cho năm 2020, phải suy nghĩ và đột phá, không lẽ cứ vậy hoài?
03
Sáng nay, tôi đọc Facebook của chị Tuyết Hector. Chị viết: “Lười suy nghĩ là hậu quả của một thế hệ “để đó mẹ làm cho, đi học bài đi con”. Học, không phải 100% là suy nghĩ đâu mọi người nhé. Chỉ có một số ít ngồi tư duy để tự giải bài hoặc để hiểu bài, còn lại toàn là để thuộc bài. Học thuộc riết, lười tư duy luôn”.
Tôi thấy rất đúng, chính đám bạn tôi, môn toán chúng nó 10 điểm nhưng thực chất là học thuộc các mẫu bài giải bài rồi ráp vô bài thi khi gặp dạng tương tự. Học giỏi, với nhiều người, chỉ là trí nhớ tốt mà thôi. Mà trí nhớ tốt, đọc nhiều, học nhiều kiểu Việt Nam thì lại lười suy nghĩ. Nên dù học rất giỏi, kết quả thi rất cao nhưng không có bất cứ một thành tựu gì. Làm việc với họ mới thấy họ nghèo sáng tạo, ít suy nghĩ cách làm đến kinh khủng.
LƯỜI SUY NGHĨ, HẬU QUẢ CỦA MỌI NGHÈO KHÓ TRÊN ĐỜI, đúng như ngạn ngữ các nước Bắc Âu đã nói. Các dân tộc giàu có đều bắt nguồn từ cách tư duy người này hướng dẫn người kia “hãy nghĩ cách, nghĩ cách… để thay đổi và làm cuộc sống tốt đẹp hơn”.