Là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, “mùng một tết Cha”, con cháu sẽ tập trung về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà nội. “Mùng hai tết mẹ” có nghĩa con cháu tập trung, tựu tề về từ bên ngoại để mừng thọ, chúc Tết. Còn “mùng 3 Tết thầy” là nhắc nhớ truyền thống tôn sư trọng đạo. Người làm nghề giáo có nhiều đức tính đáng quý, làm nên thành công trên giảng đường. Đây cũng chính là những đặc điểm nên được các CEO, nhà lãnh đạo học hỏi để chiến thắng trên thương trường vì điều đáng ngạc nhiên là hai nghề này lại có những điểm tương đồng sâu sắc. 

Jack Ma của Tập đoàn Alibaba, thực chất ban đầu là một giáo viên. Ngẫm lại mới thấy, CEO và giáo viên có rất nhiều điểm tương đồng để có thể thành công trên bục giảng cũng như trên thương trường. Về cơ bản, cả CEO và giáo viên đều cần có một tầm nhìn độc đáo, đầy cảm hứng để chia sẻ — cho dù là với trẻ em hay người dùng.

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 1.

Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy

Xây dựng môi trường phù hợp

Các giáo viên chú ý đến từng chi tiết nhỏ để môi trường được một môi trường học tập phù hợp cho học sinh. Bàn ghế được bố trí theo vô cùng nhiều cách khác nhau để đảm bảo rằng mỗi em có thể nhìn, nghe và tham gia đầy đủ mà không bị phân tâm. Chắc chắn, COVID có thể giới hạn khả năng này. Nhưng điều đó chỉ khiến giáo viên trở nên sáng tạo hơn bao giờ hết.

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 2.

Họ đầu tư vào sách, đồ dùng và tài nguyên học tập để kích thích trí óc của học sinh, thử thách  và khuyến khích học sinh say mê thích thú khám phá kiến thức.

Với tư cách là các nhà lãnh đạo, các CEO cũng cần tạo ra một môi trường phù hợp cho nhân viên của mình, trước hết là tập trung vào sức khỏe, sự phát triển và thành công của họ. Các CEO có đang cung cấp và khuyến khích nhân viên nâng cao kỹ năng, công nhận và nuôi dưỡng các tiềm năng của nhân viên không? Khi các cá nhân được trao quyền, được tôn trọng vì những cố gắng, thành tích và đóng góp của mình, thì chính công ty của bạn được hưởng lợi. Đó cũng chính là nguyên tắc Lấy nhân viên (người học) làm trung tâm.

Luôn chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi

Bài học sau đại dịch cho bất cứ ai là: những kế hoạch hoàn hảo nhất có thể đổ bể. Không ai biết điều đó sâu sắc hơn là các giáo viên. Tất cả các ngày làm việc trên lớp, các buổi học thêm và giáo án mà họ đã lên kế hoạch từ lâu đều không có giá trị gì đối với giáo viên khi đột nhiên họ phải chuyển sang giảng dạy từ xa. Đến bây giờ khi quay trở lại lớp học truyền thống, họ lại phải tìm cách làm sao để thiết kế được một môi trường học tập an toàn nhưng vẫn hiệu quả và gây hứng thú cho học sinh của mình.

Đó cũng chính là điều các CEO cần phải tỉnh táo, nhanh chóng bắt kịp và luôn có phương án dự phòng. Trong những năm gần đây, một số trường hợp khẩn cấp quốc tế quy mô lớn đã xảy ra. Sáu cơn bão lớn đã làm rung chuyển địa cầu trong năm 2017, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với những thách thức kéo dài: xung đột vũ trang, khủng hoảng y tế, nghèo đói, bất ổn chính trị và hơn thế nữa. Mỗi biến số này tạo thêm rào cản cho khả năng linh hoạt của các công ty, kiểm nghiệm cách các CEO ứng biến.

Hướng đến thiết kế những trải nghiệm tuyệt vời

Hai công việc: làm CEO và làm giáo viên có những điểm chung bất ngờ ở mặt này. Để có thể thành công, họ cần quan tâm tới những bước thiết yếu trong quá trình thiết kế sản phẩm – một năng lực cốt lõi của CEO hiện đại; và đồng thời cũng là điều vô cùng cần thiết để giáo viên thiết kế nên chương trình giảng dạy hay.

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 3.

Hai người cùng hướng dẫn học sinh của mình (hay chính là người dùng) tham gia vào các trải nghiệm; nêu rõ mục đích của mình; thuyết phục về giá trị to lớn trong tương lai nếu học sinh (người dùng) gắn bó với quá trình này; luôn cố gắng đảm bảo với họ rằng họ sẽ có mọi thứ để thành công; cố gắng để những trải nghiệm ấy không bị gián đoạn và xuất hiện thứ gây phân tâm; cổ vũ họ thông qua những chiến thắng nhỏ và tạo động lực cho họ thông qua những khoảnh khắc quan trọng; bắt đầu thả họ ra ao hồ để họ “tự bơi” và kiểm nghiệm; quan sát và đánh giá kết quả thu được để rút ra kinh nghiệm; cá nhân hóa mọi thứ và khuyến khích sự hợp tác sâu rộng hơn; thưởng cho họ vì đã đóng góp giá trị cho hệ sinh thái và truyền cảm hứng để họ tiếp tục chia sẻ những gì học (đã sử dụng) được cho người khác….

“Về cơ bản, cả CEO và giáo viên đều cần có một tầm nhìn độc đáo, đầy cảm hứng để chia sẻ — cho dù là với trẻ em hay người dùng.”

Trở thành những nhà lãnh đạo, chứ không phải ông chủ

“Tôi đã từng chứng kiến một giáo viên giảng dạy trong trường của tôi. Cô giáo này tạo ra một hoạt động có tên “Vòng tròn văn học”, trong hoạt động này các nhóm nhỏ học sinh sẽ bàn luận về cuốn sách mà chúng đang đọc. Trong một giờ đồng hồ, cô ấy đi quanh lớp với một cuốn sổ kẹp trên tay, lặng lẽ quan sát các học sinh khi chúng nói về cuốn “Native Son”. Cô giáo ấy dường như vô hình. Sự chú ý tập trung chỉ đổ dồn vào các em học sinh. Cuối buổi, các em học sinh sẽ được đánh giá theo thang đo ở các tiêu chí. Điều có thể quan sát thấy là các em tham gia tích cực vào các cuộc bàn luận sâu về một tiểu thuyết rất khó, các em được luyện tập đa dạng các kĩ năng, biết phối hợp làm việc nhóm, các em vô cùng hào hứng và thích thú trong lớp. Sự thật thú vị là trông như thể cô giáo chẳng hề có công sức gì trong buổi học đó, nhưng con mắt chuyên gia sẽ biết được là mỗi giờ phút đó của lớp học là hàng trăm giờ để chuẩn bị trước đó: xây dựng quy trình, đặt ra mục tiêu, luyện tập,…

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 4.

Các CEO cũng không khác gì. Người ta thường nói ba công việc của CEO chính là: đảm bảo có tiền mặt trong ngân hàng, thuê những nhân viên giỏi và định hình tầm nhìn cho tổ chức. Một khi các nhà lãnh đạo, CEO đã đạt được bốn điều này, họ sẽ “không có gì để làm” nữa. Thuê những con người tuyệt vời, cung cấp cho họ những nguồn lực mà họ cần để họ làm việc hiệu quả, làm cho mục tiêu trở nên rõ ràng và truyền cảm hứng sâu sắc, đoàn kết tất cả các bộ phận đồng lòng làm việc cùng nhau để đảm bảo năng suất tối đa — và sau đó phải bước ra ngoài và quan sát thôi. 

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 5.

Đo lường mọi thứ để đặt ra mục tiêu

Các giáo viên thường đánh giá học sinh trên thang điểm 10 vào những dịp định kì. Sau đó họ sẽ cho học sinh các bài kiểm tra nhỏ khác để tính các điểm có hệ số nhỏ hơn. Toàn bộ các con số đó sẽ được đọc hoặc treo trên bảng để tất cả các học sinh nhìn thấy. Học sinh sẽ quan sát được tiến trình tăng/giảm điểm của mình và cố gắng để cải thiện những điểm số đó. 

Đây cũng là điều phải làm để mọi người trong công ty hiểu một cách định tính các mục tiêu của họ và sự tiến bộ của họ trong các mục tiêu này. Khi bạn đo lường mọi thứ và làm cho các mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được về mặt định lượng, mọi người sẽ tập trung và cố gắng đạt được con số đó. Khi các nhà lãnh đạo không làm vậy, mọi thứ sẽ trôi nổi, mơ hồ một cách nguy hiểm. Nếu mục tiêu đã nói rõ là cần phải cải thiện tỷ lệ chuyển đổi, không ai có thể cãi lại là tôi không biết mình cần cải thiện điều này. Nếu mục tiêu là chuyển tỷ lệ chuyển đổi lên 15,4 phần trăm, họ sẽ cố hết sức để đạt được điều đó chứ không phải thứ gì khác.

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 6.

Cả giáo viên và các nhà lãnh đạo/ CEO đều cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng, thông minh và đảm bảo rằng dữ liệu có sẵn một cách minh bạch và chính xác về mức độ thực hiện các mục tiêu này. Và đến cuối cùng, bằng cách này hay cách khác, mục tiêu đó sẽ được hoàn thành khi chúng đủ rõ ràng.

Chiến thắng bằng cách thất bại

Từng có câu nói: “Không có ai viết được cuốn sách về cách trở thành giáo viên giỏi. Bạn phải từ từ tự trở thành người tác giả đó. Và vì vậy, giống như một nhà phát minh, bạn sẽ học được thông qua thất bại”.

Dù là ở trong lớp học hay công ty, thất bại là điều chẳng ai muốn. “30 chưa phải là Tết” – những thất bại có thể đến với các thầy cô giáo và các CEO mà không thể ngờ đến. Thất bại cũng là nhiên liệu cần thiết của thành công. Điều này đặc biệt đúng đối với việc giảng dạy và xây dựng công ty, bởi vì trong cả hai môi trường, không rõ trong tương lai thứ gì có thể xảy ra. Thất bại là nền tảng của việc học.

Trên thương trường điều này quá là hiển nhiên rồi. Một tỷ lệ rất lớn các công ty mới thành lập thất bại và một số lượng lớn các công ty chỉ tìm thấy thành công sau nhiều thất bại để tìm thấy được ý tưởng sáng tạo để đổi mới. Bạn phải phá vỡ các quy tắc của thành công trước đó để tạo ra một cái gì đó thực sự mới.

Bạn cứ tưởng làm nghề giáo thì sẽ luôn nằm trong vùng an toàn và ít phải đối diện với những rủi ro có thể gây ra thất bại? Điều này dường như có vẻ đúng khi nghề giáo thường dựa vào những gì từ sách vở, bao gồm cả kiến thức học thuộc lòng. Nhưng chắc chắn, có những giáo viên đặc biệt xuất chúng luôn đổi mới sáng tạo, thất bại vô số lần, bị phản đối và xỉ vả, nhưng rồi họ vẫn quyết tâm để mở ra những chân trời mới cho học trò. Hãy chiêm nghiệm lại xem: Trong suốt quá trình học hành, dùi mài kinh sử hàng chục năm qua, bạn gặp được bao nhiêu những nhà giáo như vậy? Không được bao nhiêu – và đó cũng chính là tỷ lệ giữa các công ty thành công và các công ty thất bại. 

Đối với cả CEO và những người thầy, thất bại nào cũng là điều khó khăn nhưng thật đáng quý.

Cố gắng chuyển hóa con người từ bên trong

Cuối cùng, cả nhà CEO và giáo viên giỏi đều cố gắng tạo ra giá trị bằng cách giúp mọi người hiểu bản thân mình và trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ, tức là quá trình tạo ra giá trị chuyển hóa từ bên trong.

“Khi tôi là một giáo viên, tôi nhận ra rằng nhiệm vụ thực sự của mình không thực sự là dạy lịch sử Hoa Kỳ hay tác phẩm Native Son, mà là dạy bọn trẻ về con người của riêng mình, cách chúng tư duy, cách chúng có thể nhận ra và khai phá tiềm năng độc đáo của mình. Lịch sử Hoa Kỳ là cái cớ, là bối cảnh rất quan trọng. Nếu không có một quá trình học tập nghiêm túc, việc học sâu hơn sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Và nếu không đào sâu việc học, việc học lịch sử Hoa Kỳ sẽ trở nên sáo rỗng và giả tạo.”

Với khả năng tiếp cận tới nguồn thông tin vô hạn từ Internet, càng ngày thì giáo viên càng trở thành người trợ giúp trẻ khai phá chính con người mình, chứ không phải là dạy kiến thức hay kỹ năng nữa.

Điều làm nên sự tuyệt vời ở các Giám đốc, CEO cũng là ở việc họ xây dựng văn hóa tại công ty sao cho có thể truyền cảm hứng cho nhân viên để họ tự muốn làm việc và trở nên tuyệt vời. Rõ ràng là các nhân viên dành cả ngày, cả tuần, cả năm trời để làm việc cho công ty của bạn, nên điều họ muốn chắc chắn phải nhiều hơn việc chỉ có đạt được chỉ tiêu và mang tiền về. Đó chính là việc họ có thể nâng cấp được bản thân và biến đổi từ bên trong (inner transformation). Nói cách khác, với tư cách là một Giám đốc điều hành, văn hóa công ty của bạn phải cho phép khai phá những giá trị và khả năng tuyệt vời nhất của các nhân viên, giống như cách một sản phẩm có thể giúp ích cho người dùng.

‘Mùng 3 Tết Thầy’: 1 điều mà các doanh nhân, CEO cần học hỏi từ các thầy cô giáo - Ảnh 7.

Lời kết:

Những điểm tương đồng này nếu ngẫm kĩ lại thì không hề quá ngạc nhiên. Đó cũng chính là lí do tại sao CEO của công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công nhất trong lịch sử, Jack Ma của Tập đoàn Alibaba, thực chất ban đầu là một giáo viên. Về cơ bản, cả CEO và giáo viên đều cần có một tầm nhìn độc đáo, đầy cảm hứng để chia sẻ — cho dù là với trẻ em hay người dùng.

Giống nhau ở nhiều điểm và đều quan trọng cả, tuy nhiên, mặc dù cả xã hội khi nghe đến chức vị CEO thì đều nghĩ đến những con người của sự cao sang, của một xã hội bùng nổ sự tiến bộ, nhưng các thầy cô lại chưa nhận được sự ưu ái được như vậy từ xã hội. Dù cho chúng ta coi trọng tầm quan trọng của giáo dục và sự cao quý của nghề giáo, nhưng vẫn không thể bằng được những lời ca ngợi, sự săn đón mà các CEO vẫn hàng ngày nhận được. 

Hôm nay mùng Ba Tết Thầy, rất mong xã hội không tự ngộ nhận rằng những nhà giáo sẽ luôn cống hiến hết sức mình mà không quan tâm đến thù lao và địa vị. Cũng giống như những CEO nổi tiếng kia, từng cách ứng xử, từng lời nói trước học sinh, trước công chúng của các thầy cô vẫn luôn là những cố gắng rèn luyện hàng ngày đáng được ghi nhận, đáng được tôn vinh.

Nguồn: CapRelo, EducationWeek

https://cafebiz.vn/mung-3-tet-thay-1-dieu-ma-cac-doanh-nhan-ceo-can-hoc-hoi-tu-cac-thay-co-giao-20220130223637415.chn


Thu Ngân

Theo Pháp luật và bạn đọc