Có một câu chuyện như này.
Có một người đàn ông ho suốt ngày, anh tìm đến bác sỹ.
Bác sỹ hỏi: “Anh hút thuốc không?”
Người đàn ông đáp: “Có hút.”
“Hút bao nhiêu năm rồi?”
“20 năm.”
Trước khi người đàn ông ra về, bác sỹ nghiêm túc nói với anh: “Hút thuốc 20 năm trời, nếu anh mà không hút, đã chẳng bị cái bệnh này, tiền tiết kiệm được có khi đủ để mua ô tô rồi.”
Người đàn ông nghe bác sỹ nói xong không đồng tình, tức giận nói:
“Thế tôi hỏi bác sỹ, bác sỹ có hút thuốc không?”
“Tôi không hút.”
“Thế xe ô tô của bác sỹ đâu?”
Bác sỹ đáp: “Ở dưới nhà để xe, sao nào?”
01
Thực ra, câu chuyện này không phải chỉ là chuyện cười, mà nó đồng thời cũng xảy ra ngay cạnh tôi suốt 40 năm trời.
Ở quê tôi, với những người đàn ông lao động chân tay như chúng tôi, thuốc không bao giờ rời khỏi tay.
Từ ông cho tới bố tôi đều thích hút thuốc lá, cứ hút cứ hút, hơn 40 năm đã trôi qua.
Cho tới tận bây giờ, mỗi lần bố mẹ lớn tiếng với nhau, lúc nào câu kết của mẹ cũng là:
“Từ sáng tới tối suốt ngày chỉ biết hút hút hút rồi ho ho ho, hút bao nhiêu năm hút luôn cả một đồng tiền, tiền anh hút thuốc có khi xây được cả một cái nhà rồi đấy!”
Có một cụm từ chuyên môn để miêu tả những trường hợp như này, đó chính là “Latte factor” (tạm dịch: nhân tố latte)
Một tách cà phê vào buổi sáng, một cốc trà sữa vào buổi chiều, tiền taxi đi lại, đồ ăn vặt, các gói thành viên tự động gia hạn khác nhau hay những món đồ trang trí đẹp nhưng không thực tế ở các tiệm ven đường…
Những thứ này có thể xem tính là “nhân tố latte”, có nghĩa là chúng không cần thiết cho cuộc sống, chi phí đơn lẻ cũng không cao, nhưng nhân với 365 thì nó cũng đủ làm rỗng ví của bạn lúc nào không hay.
Một năm có 365 ngày, chi phí hàng ngày có nhỏ tới đâu thì khi nhân với 365, nó cũng đều sẽ là rất lớn; tương tự, lợi ích hàng ngày nhỏ tới đâu, khi nhân với 365 cũng là rất lớn.
Cách đây một thời gian, tôi ở văn phòng làm một bản tổng kết cuối năm và cũng là để xem xét tình hình tài chính của mình, tôi cũng đã rất ngạc nhiên về “nhân tố latte” của mình.
Chỉ trong một tháng, tôi đã uống 21 tách cà phê, trung bình hết 1050 ngàn đồng.
Thói quen uống một tách cà phê mỗi ngày vào các ngày trong tuần đã được tôi vun đắp trong 8 năm kể từ khi tôi trở thành một phóng viên.
Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực sự đối mặt với hóa đơn cà phê của mình.
1050 × 12 × 8, nói cách khác, tôi đã tiêu khoảng hơn 100 triệu cho tiền cà phê trong 8 năm qua!
Hầu hết mọi người không nhận ra rằng thực sự có một giới hạn trên tổng thu nhập trong cuộc đời của mỗi người.
Nếu suy nghĩ từ góc độ này, vấn đề tiết kiệm tiền sẽ chuyển từ “tiêu hết tháng này tháng sau bù” thành “cả đời chỉ có xx triệu, tiêu một ngàn ít đi một ngàn”.
Có thể có rất nhiều người phản đối quan điểm này.
“Tôi uống trà sữa để giải tỏa tâm lý. Nếu tý tiền này mà cũng không nỡ tiêu, vậy thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì?”
“Tiền kiếm được là để tiêu chứ không phải để bo bo cất đi. Những người không biết tiêu tiền sẽ không thể trở nên giàu có”.
Vì vậy, tôi muốn nói một chút về vấn đề quan niệm về tiền bạc.
Nói về kinh nghiệm của chính tôi.
Năm 2009, tôi tốt nghiệp đại học. Trong 3 năm tiếp theo, tôi đã thay đổi 3 công việc.
Tôi thay đổi công việc mỗi năm một lần, lúc thì vì tôi không thích công việc đó, lúc lại vì tôi không thích bầu không khí ở công ty. Khoa trương nhất là khi tôi đánh nhau với phó chủ tịch của công ty trong phòng họp, và rời đi sau một cuộc cãi vã động trời.
Dù sao thì khi ấy tôi cũng khá là tùy tiện, không biết sợ ai là gì.
Tác dụng phụ sự tùy tiện này là tôi không tiết kiệm được chút tiền nào, tình hình kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong kỳ nghỉ lễ 1/5 năm 2012, 4 người bạn cùng lớp đã gửi thiệp mời đám cưới cho tôi, nhưng tôi thậm chí không có đủ tiền để mừng cưới 4 người bạn cũ này.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng có tiền tiết kiệm trong tay quan trọng đến thế nào.
Rồi công việc thứ 4 của tôi, một phóng viên, kéo dài hơn 4 năm.
May mắn là tôi bắt kịp chuyến tàu cuối cùng của thời kỳ hoàng kim của báo giấy, chăm chỉ kiếm tiền bằng nghề viết và thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm.
Tôi tiết kiệm được bao nhiêu?
Đi thuê nhà, tôi thuê phòng nhỏ nhất trong cả dãy, đặt một cái giường thôi cũng đủ hết không gian, tôi chỉ có thể mua loại tủ quần áo gấp khung.
Buổi trưa có phục vụ ăn uống tại canteen, nếu làm ca đêm thì được hỗ trợ tiền ăn tối.
Tôi đã làm ca đêm trong 2 năm liên tục để không phải đến sớm vào sáng hôm sau.
Nếu dậy muộn, tiền ăn sáng sẽ được tiết kiệm, cố gắng đến trưa ăn cả thể.
Trong những năm đó, ngoại trừ những chi phí cần thiết cho công việc như mua sách, uống cà phê, về cơ bản tôi đã rèn luyện tính tự giác kỷ luật đến mức cực độ.
Kết quả là tôi đã tiết kiệm thành công 300 triệu đầu tiên trong đời.
Vào năm 2015, sự trỗi dậy của các phương tiện truyền thông đại chúng kéo theo sự suy giảm của các phương tiện truyền thông báo giấy.
Năm 2016, tôi bắt đầu khởi nghiệp về nội dung. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn dựa vào “bát cơm” này để kiếm tiền.
Thực ra, vào khoảng thời gian tôi tự làm truyền thông, ở đơn vị của có hai đồng nghiệp nghỉ việc và tự tách ra làm tự do.
Nhưng hai người họ sớm đã bỏ cuộc, một người thì đã về quê.
Tại sao?
Bởi vì tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: tập trung viết trong một năm, ngay cả khi tôi không kiếm được một xu trong năm đó.
Và sự tự tin của tôi đến từ 300 triệu mà tôi đã tiết kiệm được nhờ thắt lưng buộc bụng trong hơn 3 năm qua.
Ngay cả khi tôi không nhận được bất kỳ đồng nào trong năm 2016 thì cũng không sao cả, nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của tôi.
02
Trước tình hình dịch bệnh trong những năm qua, các gia đình lao đao, nhiều người bỗng dưng mất việc làm, cuộc sống xáo trộn.
Một trận dịch đã khiến nhiều người nhận ra được rằng: tiết kiệm tiền mới là sự kỷ luật tự giác hàng đầu của một người trưởng thành.
Tại sao tôi khuyên bạn nên tiết kiệm tiền và nên chú ý đến “nhân tố latte”?
Trước hết, đó không phải là một khoản tiền nhỏ. Không quá lời khi nói hút một bao thuốc mỗi ngày, đồng nghĩa với việc bạn “hút” một chiếc SH trong 10 năm và “hút” một nửa ngôi nhà trong 40 năm.
Với trà sữa cũng vậy.
Thứ hai, tiết kiệm là cái vốn cái liếng để những người bình thường có thể thay đổi cuộc sống của họ.
Trên thực tế, đối với những người bình thường như chúng ta, chỉ có hai thứ thực sự có thể thay đổi vận mệnh của chúng ta:
Một là học hành chăm chỉ, hai là tiết kiệm tiền.
Thứ đầu tiên ư? Có lẽ hầu hết những người đọc bài viết này đều đã qua độ tuổi đi học, vì vậy hãy nhanh tay làm điều thứ hai.
Bỏ đi “nhân tố latte” cũng là một sự rèn luyện.
Bất kể là hút thuốc, uống cà phê hay trà sữa, hầu hết các “yếu tố latte” này đều thực sự có hại cho một cơ thể khỏe mạnh và một cuộc sống có kỷ luật.
Có một cô gái tên Maruko làm công việc nghiên cứu thị trường trà sữa.
Trong nửa năm, cô duy trì ít nhất 10 cốc trà sữa mỗi tuần.
Nửa năm sau, cơ thể của cô đã có những thay đổi rõ rệt:
1. 55kg trước khi vào công ty, nửa năm sau 65kg, khám sức khỏe gan nhiễm mỡ nhẹ.
2. Vì một số loại trà sữa chỉ có uống lạnh, ảnh hưởng lớn đến kinh nguyệt và độ ẩm cơ thể, cô đã phải đến bệnh viện điều trị một thời gian.
3. Hàm lượng đường trong trà sữa quá cao khiến cô nàng nổi mụn điên cuồng.
4. Răng vàng và yếu đi do phẩm màu trong trà sữa được pha với chất tạo ngọt.
Xin hãy luôn nhớ một câu:
Những ham muốn chất lượng thấp có thể đạt được bằng sự thỏa mãn tức thời, nhưng những khát vọng cao cấp phải đạt được bằng sự tự giác kỷ luật.
Những người mà bạn ngưỡng mộ không bao giờ có ý định hưởng thụ nhất thời, họ nhịn một lúc là vì tương lai về lâu về dài.
03
Ở Nhật Bản có người đàn ông tên Sakaguchi Kazuma, ở tuổi 51, anh chủ động nghỉ việc, và nói đã đến lúc để tận hưởng cuộc sống.
Nguyên nhân rất đơn giản, trong suốt 30 năm làm việc, anh đã tiết kiệm được 100 triệu Yên Nhật (khoảng 19,8 tỷ đồng)
Trên thực tế, lương hàng năm của anh chỉ rơi vào khoảng 4,5 triệu Yên (khoảng 894 triệu đồng).
Ngoài ra, anh không đầu cơ vào cổ phiếu, bất động sản hay mua vé số, 100 triệu Yên là số tiền được tiết kiệm đơn thuần trong 30 năm.
“Tôi không hạ thấp chất lượng cuộc sống của mình, tôi chưa bao giờ đối xử tệ với bản thân.
Tôi chỉ cố gắng giảm thiểu lãng phí, cố gắng không chi tiêu quá đà, tiêu xài phung phí.
Thực tế, cuộc sống bình thường tôi không cần nhiều tiền, chi phí sinh hoạt của tôi chỉ 100.000 một tháng (khoảng 20 triệu đồng) và 1,2 triệu một năm (khoảng 238 triệu đồng).
Với mức thu nhập hàng năm là 4,5 triệu trừ đi 1,2 triệu, bạn dễ dàng tiết kiệm được 3,3 triệu mỗi năm, và 100 triệu trong 30 năm.”
Thực ra, hầu như tất cả những người giàu mà tôi biết, 100 triệu đầu tiên của họ là để dành và tiết kiệm, và họ sẽ không phải lo lắng nếu có bất ngờ ập đến.
Và cũng có quá nhiều người, như bố tôi chẳng hạn, hút thuốc “hút” luôn nửa căn nhà trong nhiều thập kỷ, hay uống hết cả một chiếc xe máy với trà sữa hay cà phê mà không hay.
Tiết kiệm là bước đầu tiên để trở nên giàu có, sau khi đã có một số tiền tiết kiệm nhất định, bạn sẽ có thể bắt đầu bước thứ hai – đầu tư.
Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn thay đổi hiện trạng, hãy nhớ ghi nhớ điều này:
Tiết kiệm tiền, hãy bắt đầu ngay bây giờ. Bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu, hãy dành ra 10% -20% để tiết kiệm.
Bạn cần phải biết rằng:
Xã hội sẽ không vì một câu “Tôi không có tiền” mà mở ra cho bạn một cánh cửa mới; số phận cũng sẽ chẳng khai ân chỉ vì một câu “Tôi nghèo lắm” của bạn.
Vì vậy, bước vào năm 2022, đã đến lúc kiểm soát đôi bàn tay nhỏ bé của bạn.
Bởi lẽ tiền không chỉ là một chuỗi các con số, nó là công cụ giúp bạn có quyền nói “có” hoặc “không” với thế giới.
https://cafebiz.vn/nguoi-dan-ong-lam-viec-30-nam-tiet-kiem-duoc-20-ty-dong-tiet-kiem-la-buoc-dau-tien-tro-nen-giau-co-khong-tien-tat-ca-deu-vo-nghia-20220303101229015.chn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị