Nhân phẩm nặng tựa núi, lương tâm quý hơn vàng. Con người sống ở đời thường sẽ có một số nhân tố bên trong trở thành tiêu chuẩn nhận thức của người khác. Và tiêu chuẩn đó thường là lương tâm và nhân phẩm. Có lương tâm hay không? Nhân phẩm rao sao? Luôn là thước đo quyết định bạn là người như thế nào?

Trên con đường tìm kiếm thành công, để hành trang gọn nhẹ, chúng ta thường vứt bỏ đi nhiều thứ, nhưng chỉ cần còn lương tâm và nhân phẩm cao thượng bên mình, chắc chắn sẽ bảo vệ chúng ta thuận buồm xuôi gió.

Người mà không lương thiện, tâm sẽ không chính trực, dù gia sản bạc tỷ cũng khó lòng được người khác tôn trọng. Bởi vậy, làm người không được đánh mất lương tâm, không được tổn thương nhân phẩm mới dễ dàng tiến tới thành công.

Nhân phẩm nặng tựa núi, lương tâm quý hơn vàng: Làm người phải lấy lương tâm làm gốc, lấy nhân phẩm làm vốn - Ảnh 1.

01

Lương tâm là gốc rễ căn cơ để lập thân ở đời

Đường xa mới hay sức ngựa, sống lâu mới biết lòng người. Thế gian vạn vật thay đổi thất thường, lòng người càng khó nắm bắt hơn.

Cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra, dù ngụy trang tốt đến mấy cũng sẽ có chỗ sơ hở. Chỉ có tâm đủ lương thiện mới đủ sức để cắm rễ trong xã hội thay đổi thất thường này.

Sinh ra là người, nhất định phải có giới hạn, trái tim lương thiện chính là giới hạn tốt nhất của con người. Không được vượt quá giới hạn, không được đánh mất lương tâm.

Thời Đông Hán, Dương Chấn từng tới nhận chức tại quận Đông Lai. Trên đường đi qua huyện Xương Ấp, ông gặp lại tú tài Vương Mật, người từng được ông cất nhắc trước kia.

Vương Mật lúc bấy giờ đương chức huyện lệnh huyện Xương Ấp, vì muốn báo đáp ân tình nên dâng cho Dương Chấn một số vàng.

Lúc đó vào đêm khuya, ngoài hai người bọn họ, không có ai khác. Dương Chấn nhìn thấy vàng, liền từ chối ý tốt của Vương Mật.

Vương Mật thấy vậy vừa cười vừa nói: “Đêm khuya vắng người, không ai có thể biết chuyện được”.

Dương Chấn nghe xong, nghiêm nghị nói: “Trời biết, đất biết, ta biết, ông biết, sao lại nói là không ai biết?”

Hoàng đế sau khi nghe kể về sự tích của ông, đã thăng liền cho ông mấy cấp quan cùng lúc đồng thời ngợi ca ông là một người quan tốt, là người tài mà triều đình thực sự cần.

Đối nhân xử thế, không cần vạn sự như ý nhưng tuyệt đối không được hổ thẹn với lương tâm của mình.

Con người có thể không có tiền, nhưng không được giở mọi thủ đoạn lừa bịp người khác. Mọi việc có thể không hoàn hảo nhưng tuyệt đối không được đầu cơ trục lợi, đánh mất lương tâm.

Những người có thể bình yên vô sự trong thế giới thăng trầm vạn biến này không phải là nhờ của cải và quyền thế, mà chỉ đơn thuần là một trái tim và lương tâm trong sạch.

Dù thế gian này tăm tối không có mặt trời, dù bên cạnh là tiểu nhân hay quân tử, chỉ cần không hổ thẹn với lương tâm, mọi thứ sẽ như ánh sáng hào quang soi sáng bản thân và khúc xạ người khác.

Chúng ta luôn tin rằng, người lương thiện trời không phụ. Chân tâm cuối cùng sẽ chiến thắng sự dối lừa, thẳng thắn làm người rồi cũng sẽ tìm thấy người đồng hành với mình mà thôi.

Dù khổ, dù mệt, dù bị mắng chửi, dù không được thấu hiểu, chỉ cần lương tâm trong sạch, mọi thứ sẽ đều xứng đáng.

Có người nói: “Tâm mà không động, thì dù gió cũng chẳng sao”.

Thế giới này rất tàn khốc, xã hội này rất lạnh lùng, nhưng nếu giữ được lương tâm, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và không ai dám bắt nạt. Tâm an yên mới là dấu chấm viên mãn nhất của cuộc đời.

Nhân phẩm nặng tựa núi, lương tâm quý hơn vàng: Làm người phải lấy lương tâm làm gốc, lấy nhân phẩm làm vốn - Ảnh 2.

02
Nhân phẩm là vốn để bạn không ngừng tiến về phía trước

Trí tuệ đời người đó là: làm người trước, làm việc sau, trọng đức hơn trọng tài.

Con người sống ở đời, trí tuệ có thể ít một chút, năng lực có thể kém một chút, thậm chí không cần phải có quan hệ xã giao nhưng nhân phẩm cao thượng tuyệt đối không được thiếu.

Từ Thế Xương từng nói: “Phàm là lập công lập nghiệp đều phải lấy phẩm đức làm căn cơ”.

Đối nhân xử thế dựa núi, dựa nước, dựa người khác đều không bằng dựa vào chính mình. Và thứ đáng tin nhất của chính mình đó là nhân phẩm cứng cỏi.

Tương giao với người, bắt đầu bằng gì không quan trọng, nhưng cuối cùng chỉ xem nhân phẩm, bởi nhân phẩm mới là nền móng vững chãi nhất của mọi mối tương giao.

Mấy năm trước, khi Bạch Nham Tùng phỏng vấn Quý Tiễn Lâm, từng được nghe kể một câu chuyện thật:

Có một năm mùa thu, khi kỳ học mới của trường đại học Bắc Kinh chuẩn bị bắt đầu, một cậu sinh viên ngoại tỉnh tay xách nách mang bước vào cổng trường, vì đi đường xa quá mệt nên cậu sinh viên quyết định để hành lý ở ven đường.

Khi ấy vừa hay có một ông lão đi qua, cậu sinh viên mạnh bạo nhờ ông lão nhìn giúp hành lý để đi làm các thủ tục nhập học khác.

Ông lão vui vẻ nhận lời. Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, cậu sinh viên hớt hải chạy về, cậu lo ông lão không đủ kiên nhẫn ngồi trông hành lý cả tiếng đồng hồ cho mình như vậy. Không ngờ ông lão vẫn tận hết trách nhiệm ngồi trông hành lý cho cậu sinh viên.

Cậu sinh viên cảm kích vô cùng, cảm ơn ông lão rồi hai người từ giã nhau.

Mấy hôm sau, trong buổi lễ khai giảng của trường, cậu sinh viên trẻ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra ông lão hôm trước trông hành lý cho mình chính là Quý Tiễn Lâm người đang ngồi trên ghế phó hiệu trưởng.

Bạch Nham Tùng cảm thán nói: “Tôi không biết cảm xúc của cậu sinh viên đó như thế nào, nhưng sau khi nghe xong câu chuyện này, tôi mãnh liệt cảm thấy rằng: Nhân phẩm mới là học vị cao nhất“.

Nhân phẩm của bạn như thế nào sẽ quyết định cao độ mà bạn đạt được như thế ấy. Những người công thành danh toại luôn là những người có đức hạnh, nhân phẩm đặc biệt xuất chúng. Và đó cũng chính là biểu hiện của nhân quả.

Nhân phẩm nặng tựa núi, lương tâm quý hơn vàng: Làm người phải lấy lương tâm làm gốc, lấy nhân phẩm làm vốn - Ảnh 3.

03
Thiện nhân kết thiện quả, ác giả thì ác báo

Điều kiện bên ngoài tốt xấu sẽ quyết định tốc độ đi của một người, nhưng phẩm chất bên trong mới quyết định đoạn đường dài ngắn.

Đi dù có nhanh nhưng không được xa, không được suôn sẻ thì cũng chỉ là vô tích sự.

Con người có cả năng lực lẫn phẩm hạnh dĩ nhiên là điều tốt. Nhưng nếu phải chọn một trong hai thì người tốt không có năng lực vẫn quý hơn là người xấu có năng lực xuất chúng.

Do vậy, dù khó lòng công thành doanh toại, lưu danh thiên cổ thì cũng đừng do dự làm một người tốt, làm một người có nhân phẩm. Chỉ cần có nhân phẩm bạn vẫn hoàn toàn có thể tồn tại và tỏa sáng trong nhân loại.

Nhân phẩm không khiếm khuyết tức là bạn đã thắng. Đời người như thuyền ngược nước, lương tâm và nhân phẩm chính là mái chèo.

Chỉ cần còn mái chèo thì dù ngược dòng vẫn có thể tiến về phía trước. Nhưng nếu đánh mất mái chèo, hoặc dù chỉ còn một cũng sẽ rơi vào thảm cảnh thuyền mất người vong.

Ngoại cảnh mặc dù có chút ảnh hưởng tới đường đi của bạn, nhưng không phải là nhân tố quyết định, quyết định thành bại là ở sự lựa chọn của bạn.

Chọn làm người ngay thẳng, dù đường đi có gập gềnh trắc trở nhưng lại quang minh lỗi lạc. Chọn đầu cơ trục lợi, mặc dù có được thành công trước mắt nhưng khó tránh khỏi kết cục “trèo cao ngã đau”.

Bị những vật ngoài thân mê hoặc không chỉ thôn tính lương tâm, đánh mất nhân phẩm mà còn tổn hại phúc báo. Làm người có thể hồ đồ, có thể anh minh nhưng tuyệt đối đừng quên để đường lui cho mình. Mà một trái tim lương thiện và một nhân phẩm danh giá chính là lựa chọn đường lui tốt nhất cho bạn.

Mong rằng chúng ta không quên lương tâm, không thua nhân phẩm. Đối nhân bằng trái tim khoan nhượng, xử thế bằng trái tim từ bi, đối xử với bạn bè bằng trái tim nghĩa khí. Làm những việc mà mình muốn, sống cuộc sống mà mình mơ.


Ngọc Thuỷ