Chúng ta thường nói rằng: “Người không phải là thánh hiền, không ai là không sai”.

Cuộc đời là quá trình không ngừng trưởng thành của mỗi người, trong đối nhân xử thế chúng ta khó lòng tránh khỏi những sai lầm. Có những sai lầm có thể bù đắp, nhưng có những sai lầm, cả đời cũng không thể bù đắp được.

Cuộc đời cũng là quá trình không ngừng rèn luyện của mỗi người. Trong quá trình đó, chúng ta phải học cách chín chắn và trưởng thành.

Học cách không tranh chấp, không để tâm và không giải thích để luôn sống suôn sẻ và điềm tĩnh trong những năm tháng cuộc đời miên man này.

Nhân sinh ngắn ngủi, muốn sống an nhiên tự tại phải học: Không tranh chấp, Không để tâm, Không giải thích - Ảnh 1.

01
Học cách không tranh chấp

Không tranh là thái độ khoan dung, không màng danh lợi. Người xưa thường nói: “trong thế gian hỗn loạn, rối bời này, tranh đi tranh lại cuối cùng chẳng khác gì dã tràng xe cát biển Đông”.

Nhân gian hỗn loạn là bởi chữ “tranh”. Tranh luận không ngừng nghỉ chỉ khiến tâm thái con người mất cân bằng, phiền não, đau khổ, cuối cùng mệt mỏi rã rời.

Đối nhân xử thế, không tranh thì tâm mới rộng như trời, cao như núi. Nhân sinh thông suốt, vạn sự hanh thông.

Nhưng năm Khang Hy, phủ Thượng thư lễ bộ Trương Anh là hàng xóm với nhà họ Ngô. Hai nhà vì một mảnh đất trống của nhà Họ Trương nảy sinh tranh chấp. Người nhà họ Trương thấy “có lý khó tranh” bèn gửi thư lên kinh thành, báo cáo sự việc với Trương Anh.

Trương Anh viết thư về nhà, bày tỏ rõ lập trường của mình: “Viết thư đến chỉ vì bức tường, nhường họ 3 thước đất đâu có sao”.

Nhận được thư trả lời của Trương Anh, người nhà ông không hề do dự, lập tức chủ động lùi tường bao lại 3 thước. Người nhà họ Ngô thấy vậy vô cùng hổ thẹn, bắt chước nhà họ Trương lùi tường lại 3 thước, tạo thành một con hẻm rộng 6 thước, lấy tên gọi là “hẻm 6 thước”.

Câu chuyện nhường nhịn lẫn nhau của hai nhà trở thành câu chuyện hay được mọi người ca tụng.

Cuộc đời con người nhiều lúc cũng nên như vậy, mấy chục năm ngắn ngủi, hà cớ gì phải tranh đi tranh lại? Đã là của bạn sẽ là của bạn, tranh làm gì? Không phải là của bạn, có tranh cũng không được thì hà cớ gì phải tranh.

Nhân sinh trần thế, mọi thứ đều đã định sẵn. Bạn càng tranh càng không thể có được, bạn càng tranh càng mất. Chỉ khi suy nghĩ đơn giản, vứt bỏ tranh chấp, vui vẻ lạc quan thì mới tránh khỏi những phiền phức bủa vây trong hồng trần phức tạp này.

Nhân sinh ngắn ngủi, muốn sống an nhiên tự tại phải học: Không tranh chấp, Không để tâm, Không giải thích - Ảnh 2.

02
Học cách không để tâm

Không để tâm là trí tuệ trong những trí tuệ lớn. Tôi từng đọc được một câu chuyện như sau:

Một cặp vợ chồng dắt lừa đi chợ. Ban đầu, người vợ cưỡi trên lưng lừa, còn người chồng đi trước dắt lừa. Người qua đường thấy vậy liền chỉ chỉ trỏ trỏ nói: “Người phụ nữ kia đúng là chẳng ra gì, để chồng dắt lừa, còn mình thì chễm chệ ngồi trên”.

Người vợ nghe thấy vậy, vội vàng trèo xuống, đổi mình dắt lừa và bảo chồng ngồi trên lưng lừa. Không ngờ, chưa đi được mấy bước, những người đi đường lại bắt đầu chỉ trỏ nói: “Người đàn ông kia đúng là không biết thương vợ là gì”.

Người chồng nghe thấy vậy, lập tức kéo vợ lên, hai người cùng ngồi trên lưng lừa. Chưa được mấy bước, lại có người chỉ trỏ nói họ ngược đãi động vật.

Hai vợ chồng nghe xong quyết định dứt khoát không cưỡi lừa nữa, mà dắt lừa đi bộ. Nhưng nào ngờ, vẫn bị người đi đường bình phẩm nói: “Hai người họ có lừa không cưỡi, tự đi bộ thì cần lừa làm gì?”

Câu chuyện hài hước này dạy chúng ta rằng, cuộc sống đâu đâu cũng có chuyện phiền muộn, học cách không để tâm thì mới hiểu được tầm quan trọng của tự tại.

Trong cuộc sống, dù bạn làm như thế nào cũng khó tránh khỏi những lời tào lao. Dù bạn tốt hay xấu cũng khó tránh khỏi người khác nói này nói nọ.

Nếu như bạn quá để tâm vào những lời đánh giá của người khác, chẳng khác nào việc bạn dùng đầu của người khác để suy nghĩ về cuộc đời của mình.

“Vạn sự đều do tâm sinh, tâm mà tinh khiết thì ít xáo trộn”. Bạn không thể bịt miệng thế gian, nhưng có thể giữ được tâm của mình. Bỏ qua những lời thị phi, tào lao, cuộc sống sẽ càng thanh tĩnh hơn. 

Nhân sinh ngắn ngủi, muốn sống an nhiên tự tại phải học: Không tranh chấp, Không để tâm, Không giải thích - Ảnh 3.

03
Học cách không giải thích

Không giải thích là sự lựa chọn trưởng thành và chín chắn.

Trước kia, trong một ngôi chùa nọ, vì có cất giữ một chuỗi tràng hạt mà phật tổ đã từng đeo nên nổi tiếng khắp nơi. Mà nơi thời cất chuỗi tràng hạt đó chỉ có trụ trì chùa và 7 người đệ tử biết. Một ngày nọ, chuỗi tràng hạt không cánh mà bay.

Trụ trì chùa hỏi 7 người đệ tử: “Các con ai lấy chuỗi tràng hạt, chỉ cần đặt về chỗ cũ, ta sẽ không truy cứu, phật tổ cũng sẽ không trách tội”.

Các đệ tử đều lắc đầu. 7 ngày đã qua, nhưng vẫn chưa tìm thấy chuỗi tràng hạt.

Trụ trì thất vọng nói: “Ngày mai, các con thu xếp đồ đạc xuống núi cả đi. Người lấy chuỗi tràng hạt, nếu muốn ở lại thì ở lại”.

Ngày hôm sau, 6 đệ tử thu xếp hành lý xong xuôi, thở dài rồi xuống núi. Chỉ có một người đệ tử ở lại. Trụ trì hỏi người đệ tử ở lại: “Chuỗi tràng hạt đâu?”

Đệ tử nói: “Con không lấy”.

“Vậy tại sao con lại muốn mang tiếng ăn trộm?”

Đệ tử đáp: “Suốt mấy ngày qua, chúng ta nghi ngờ lẫn nhau, phải có người đứng ra, thì những người khác mới được giải thoát. Hơn nữa, tràng hạt không còn, những phật thì vẫn còn ạ”.

Trụ trì cười rồi lấy chuỗi tràng hạt từ trong túi ra đeo vào tay đệ tử.

Có những lúc, thứ mà chúng ta cần không phải là giải thích mà là trách nhiệm thẳng thắn; Không cần ép dạ cầu toàn, chỉ cần bản thân chúng ta chín chắn và trưởng thành.

Giống như:

Núi không bao giờ giải thích độ cao của mình, đứng sừng sững giữa trời cao bát ngát;

Biển không bao giờ giải thích độ sâu của mình, dung nạp trăm sông;

Đất không bao giờ giải thích độ dày của mình, vẫn cứ là mẹ của vạn vật.

Làm người cũng nên như vậy, khi đứng trước sự nghi ngờ, phủ định và hiểu nhầm, không nhất thiết phải làm to chuyện, không nhất thiết phải kinh động đến nhiều người, càng không cần phải phí sức bài bác.

Bạn chỉ cần làm những việc mà mình nên làm, đi đường mà mình phải đi. Thời gian và kết quả sẽ giúp bạn chứng minh mọi thứ. Suy cho cùng, người đức dày khiêm tốn nhã nhặn nên mới không nóng vội, bồng bột; Người hiểu rõ lý lẽ chí cao, không màng danh lợi, nên mới không khăng khăng cố chấp.

Con người ở đời, không tranh là từ bi, không để tâm là thanh tịnh, không giải thích là kiên trì với bổn tâm. Làm được 3 điều này, sẽ giữ được cho mình một trái tim tự tại trong thế gian phức tạp, rối ren này.

Trải qua sự thăng trầm của cuộc sống, sự gột rửa của thời gian, hy vọng bạn vẫn có thể không tranh, không để tâm, không giải thích. Sống điềm nhiên, ung dung và tự tại!


Ngọc Thuỷ