Cậu bạn V. từng kể với tôi một câu chuyện đáng nhớ của cậu ấy. Khi đó, V. đang học tại Bắc Kinh. Một ngày nọ, cậu bạn thân của V. từ xa đến chơi và hai người cùng đi dạo phố.

Đến giờ ăn cơm, ai nấy đều đói cồn cào mà trong túi lại không có nhiều tiền. Thế là hai người họ liền tìm một quán cơm nằm khuất sâu trong con ngõ hẻm. Bước vào bên trong mới phát hiện ra, đó là một nhà hàng cực kỳ sang trọng, ngay cả bức bình phong cũng không phải vật trang trí tầm thường. Sau khi ngồi vào ghế, mở menu ra cả hai người mới sững sờ. Đồ ăn ở trong đó đều vô cùng đắt đỏ.

Nhờ bữa cơm không đủ tiền trả, tôi mới ngộ ra giá trị thực sự của con người là thế nào - Ảnh 1.

Nếu chọn đồ rẻ nhất thì cũng không đến mức không có tiền ăn nổi. Tuy nhiên họ đều là sinh viên nghèo, ăn như vậy thật quá phung phí.

Cậu bạn V. lúc này vô cùng bối rối, cảm thấy tất cả nhân viên phục vụ dường như đang đứng đằng sau cười nhạo bọn họ. Cậu ta không biết làm thế nào, thậm chí còn đang lên kế hoạch mượn nhà vệ sinh để chuồn về.

Nhưng thật bất ngờ, anh bạn thân của V. lại bình tĩnh vẫy tay gọi phục vụ ra và nói:

“Hi, trước khi vào đây mình thực sự không biết giá món của nhà hàng. Bọn mình là sinh viên nên không ăn được, thật ngại quá, xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!”

Cô nhân viên mỉm cười không nói gì và tiễn hai người họ ra cửa.

Ra ngoài được 5 phút nhưng mặt của V. vẫn nóng bừng bừng, chân đi không có cảm giác gì. Cậu bạn thân của V. thản nhiên cười nói:

“Thành phố Bắc Kinh quả nhiên khác lạ, nhà hàng cao cấp toàn nằm khuất trong ngõ, đúng là khiến người ta được mở mang tầm mắt”.

Trong suốt quá trình từ khi vào nhà hàng đến khi ra khỏi đó, giọng điệu của cậu bạn thân vẫn không đổi chút nào.

Hai người họ chơi thân với nhau từ nhỏ, học lực của V. cao hơn chút nhưng chưa bao giờ có sự khác biệt quá lớn. Tuy nhiên chuyện lần này đã khiến V. cảm thấy khoảng cách giữa hai người họ trở nên vô cùng khác biệt.

Anh ta không dám nói ra việc bản thân không đủ tiền trả, sợ người khác cười nhạo mình, sợ bản thân trở nên nghèo hèn và nhục nhã. Còn cậu bạn thân của V. lại sẵn sàng thừa nhận điều đó, vui vẻ cho qua mọi thứ, không để tâm lý của mình phải khó chịu vì những chuyện vụn vặt.

Tại sao tôi lại có hứng thú với câu chuyện này ư? Chính vì có sự tự tin và thẳng thắn của cậu bạn kia. Ngay cả khi không có tiền, rơi vào tình thế khó xử, cậu ấy vẫn không mặc cảm, chấp nhận khuyết điểm của bản thân mình.

Tôi từng đọc được một câu hỏi thế này: “Thế nào là một cô gái mạnh mẽ?”

Có người trả lời: “Đó là người ăn bít tết mà dám gọi chín 8 phần”.

Bởi trong các nhà hàng Âu, độ chín của bít tết chỉ có số lẻ, không có kiểu chín 8 phần. Nếu gọi như trên thì chỉ chứng tỏ bản thân không biết gì về bít tết. Nhưng người phụ nữ ấy biết nói ra sẽ bị chê cười, bị coi là nhà quê lên phố nhưng cô không hề ngần ngại. Với cô ấy mà nói, muốn ăn thì gọi thôi, sẽ không vì ánh mắt của người đời mà từ bỏ món ăn mình thích.

Đây mới chính là sự tự tin thật sự.

Thực ra người phụ nữ này và cậu bạn thân của V. cùng thuộc một kiểu người, dám bộc lộ khuyết điểm của bản thân mà không hề tự ti hay lo sợ. Bởi vậy mới nói, người dũng cảm thật sự không phải không có khuyết điểm và nỗi sợ hãi, mà chính là người dám mang khuyết điểm và nỗi sợ ấy tiến lên phía trước.

Nhờ bữa cơm không đủ tiền trả, tôi mới ngộ ra giá trị thực sự của con người là thế nào - Ảnh 2.

Vậy tự tin là gì?

Tự tin là sẵn sàng chấp nhận mọi khuyết điểm của bản thân, cho dù bản thân không được hoàn mỹ, không được ưu tú, bạn vẫn chấp nhận tất cả những điều đó.

Một người bạn từng kể cho tôi nghe một câu chuyện. Cậu ấy kể rằng:

“Tớ lớn lên ở một vùng quê nghèo xa xôi, bố mẹ tớ đều là nông dân. Mỗi ngày đều bận rộn công việc đồng áng, hết việc lại đi ra ngoài làm thuê làm mướn.

Ngay từ nhỏ sống trong môi trường thiếu thốn đủ thứ, tớ không mua nổi một món đồ chơi, cũng không có nổi một cuốn truyện tranh. Điều đó khiến tớ luôn tự ti trước mặt bạn bè mình.

Đến lúc đi học đại học, những cô bạn khác thường hay bàn luận về những món mỹ phẩm đắt tiền hay những chiếc điện thoại kiểu mới; còn tớ lại luôn tìm cách lẩn tránh, sợ họ sẽ hỏi những câu hỏi như vậy và chắc chắn tớ sẽ không trả lời nổi.

Cái nghèo của cuộc sống đã khắc sâu vào xương tủy khiến tớ trở nên vô cùng tự ti và nhạy cảm. Tớ chưa từng được ăn gà KFC, chưa từng nếm thử vị kem Haagen-Dazs, cũng chưa từng được đi công viên Disneyland, càng chưa bao giờ được sở hữu 1 chiếc Iphone trong tay…”

Câu chuyện của cô ấy khiến tôi có chút thổn thức. Bởi tôi nhìn thấy hình ảnh của chính bản thân mình trong đó.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo hẻo lánh của tỉnh Hồ Nam. Bố tôi là thợ mộc, mẹ tôi là nông dân. Có thể nuôi tôi ăn học đã là sự cố gắng hết mức có thể của họ rồi.

Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ, tôi rất thích môn bóng rổ nhưng lại không mua nổi đôi giày thể thao đắt tiền kia. Nhìn thấy các bạn học đi toàn giày hiệu, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng tự ti. Tôi không tự tin đánh bóng cùng những bạn học khá giả kia. Tôi sợ họ sẽ nhìn thấy đôi giày cũ nát của tôi, càng sợ hãi họ sẽ cười nhạo vì nhà tôi nghèo, không mua nổi một đôi giày xịn để đi.

Nhờ bữa cơm không đủ tiền trả, tôi mới ngộ ra giá trị thực sự của con người là thế nào - Ảnh 3.

Tình trạng ấy trôi qua một thời gian dài, cho đến một ngày, có một sự việc xảy ra…

Lớp tôi có một cậu bạn tên L. Gia cảnh cậu ấy còn nghèo hơn tôi, bố mẹ lại bị tàn tật. Nhưng tôi đã thấy, hình ảnh cậu ấy đi một đôi giày rách, chạy như bay trên sân bóng rổ với vẻ mặt tràn đầy tự tin. Ném trúng bóng vào rổ thì câu ta khoái chí cười lớn, không cướp được bóng liền nỗ lực đuổi theo giành lại, chưa bao giờ cậu ấy cảm thấy mặc cảm hay thua kém bạn bè.

Trong cuộc thi ấy, không một ai để ý cậu ấy mang giày gì, cũng không ai chú ý gia cảnh cậu ra sao, tất cả mọi người chỉ quan tâm cách cậu ấy thể hiện trên sân bóng như thế nào mà thôi. Và lúc đó tôi chợt hiểu ra một điều: gia cảnh nghèo khó và việc đánh bóng rổ vốn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cũng giống như câu chuyện của cô bạn trên, đến bây giờ tôi vẫn chưa từng được đi Công viên Disneyland, chưa từng được ăn kem Haagen-Dazs, cũng chưa có Iphone để dùng. Nhưng tôi vẫn không hề tự ti. Tôi có thể tự tin mà nói rằng: “Niềm vui của tôi sẽ không vì thứ không đáng đó mà bị mất đi”.

Nhờ bữa cơm không đủ tiền trả, tôi mới ngộ ra giá trị thực sự của con người là thế nào - Ảnh 4.

Một đôi giày đắt tiền, không mua được thì không mua. Bởi đó là tiền sinh hoạt cả mấy tháng của tôi, tôi không muốn bố mẹ phải vất vả hơn nữa, cũng sẽ không vì thế mà cảm thấy hổ thẹn hay tự ti về bản thân mình.

Vậy bạn có biết “con người thật của chính mình” là gì không?

Gia cảnh không khá giả, tìm mọi cách che giấu có tác dụng gì? Nhà nghèo rất mất mặt sao? Thừa nhận bản thân yếu kém hơn người khác khó khăn đến vậy ư?

Sự tự tin thật sự, chính là cho phép bản thân tự ti, cho phép bản thân nghèo khó, cho phép mình bộc lộ khuyết điểm, không che đậy, không giấu giếm, vui vẻ sống cùng những khuyết điểm đó.

Muốn tìm lại chính bản thân mình, trước hết bạn phải hiểu được chính bản thân mình là như thế nào

Giữa mặt trăng và đồng xu, có người sẽ ngẩng đầu ngắm trăng, có người sẽ cúi xuống nhặt đồng xu. Ở đây không có sự phân biệt cao thấp hay tốt xấu. Đừng bao giờ nghĩ rằng, bản thân cúi xuống nhặt đồng xu sẽ thấp kém hơn người khác. Tất cả chỉ do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi.

Cuộc đời chúng ta đa phần đều là những mảnh vỡ. Nếu bạn bình tĩnh, cúi xuống và học cách đứng vững trên những mảnh vỡ đó, tận hưởng cảm giác chạm vào con người thật của chính mình, bạn sẽ cảm nhận được sự tuyệt diệu của cuộc sống.

(weixin.qq)



Quê Hương

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị