Rất thích câu nói: “Tặng người hoa hồng, hương vương trên tay.”

Trong cuộc sống, nếu bạn đem lại cho người khác sự thoải mái, vậy thì bạn cũng sẽ nhận lại được niềm vui.

Đối nhân xử thế phải ghi nhớ “tam bảo”: hòa khí, kiểm soát và tử tế.

01
Một khuôn mặt hòa khí

Người xưa nói: “Hòa khí sinh tài, dĩ hòa vi quý”. Những người đối xử với người khác bằng hòa khí thường là những người có trái tim lương thiện.

Có một lần, Tống Giang (một nhân vật trong tác phẩm “Thủy Hử”) ngồi thuyền qua sông, vừa ngồi xuống bỗng có một người có vết sẹo trên mặt đẩy Tống Giang ra, miệng còn mắng nói: “Tránh ra, nhường chỗ của ngươi cho ta.” Tống Giang không nói gì, nhường chỗ của mình cho người đó.

Thuyền ra tới giữa sông, một cơn sóng ập tới, chiếc thuyền rung lắc khiến người mặt sẹo tâm trạng vốn không tốt bỗng trở nên thô bạo hơn, bỗng dưng vung tay tát Tống Giang, người ngồi mình bên cạnh một cái.

Đợi thuyền cập bến, các huynh đệ tới đón Tống Giang, thấy trên miệng Tống Giang có vết máu, ai nấy cũng lao vào hỏi chuyện gì đã xảy ra, muốn báo thù cho ca ca, Tống Giang lại chỉ nói mình dạo này ăn hơi nhiều đồ cay nóng nên vậy.

Người đàn ông mang sẹo nghe thấy, Tống Giang không những không so đo mà ngược lại còn bảo vệ mình, bỗng dưng cảm thấy rất xấu hổ, lập tức thành khẩn cúi đầu xin lỗi Tống Giang. Tống Giang lúc này vẫn rất ôn tồn nói: “Không sao, ai cũng có lúc tâm trạng không tốt cả.”

Các cụ nói: “Bên trong ngũ quan của một người, tiềm ẩn tam quan của người đó.”

Diện mạo của một người có thể có xinh có xấu, tướng mạo của một người cũng có hiền có ác, tâm thiện thì tướng đẹp, ngũ quan của bạn chính là đại diện cho bạn.

Trong cuộc sống, những người nóng nảy hay thường xuyên ở trong trạng thái tâm lý tiêu cực thường hay cáu gắt, bộp chộp, và điều đó thường biểu hiện hết lên trên mặt họ, khiến người khác cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh.

Trong những người hòa khí rộng lượng lại có tấm lòng như biển cả, cả ngôn ngữ và thần sắc đều khiến người ta cảm thấy rất ấm áp.

Những người ưu tú đều hiểu, đối đãi với người hay xử lý mọi chuyện bằng hòa khí, vận may mới không mời tự khắc tới, cuộc sống mới ngày càng thuận lợi.

Tam bảo của cuộc sống: Một khuôn mặt hiền hòa, một cái miệng biết kiềm chế và một trái tim nhân hậu - Ảnh 1.

02
Cái miệng biết kiềm chế

Giao tiếp với người khác, nhất định phải biết những lời nào không thích hợp để nói, những lời nào không nên nói.

Có một lần, Tăng Quốc Phiên (một Nho gia nổi tiếng của Trung Quốc) mời vài trợ tá tới nhà ăn cơm, vừa uống rượu vừa nói chuyện, dần dần nói tới chủ đề anh hùng khi đó.

Tăng Quốc Phiên nói: “Những người như Bành Ngọc Lân, Lý Hồng Chương… là những người mà ta không bao giờ có thể sánh bằng.”

Một trợ tá nói: “Mỗi người một sở trường, mỗi người một tài năng riêng, không thể gộp lại mà nói như vậy được, Bành Công uy dũng, Lý Công thông minh.”

Tăng Quốc Phiên buột mồm hỏi một câu: “Các người thấy ta thế nào?”

Tất cả khi đó đều cúi đầu, không dám đáp. Lúc này, vừa hay một hậu sinh từ đâu xuất hiện nói: “Tăng sư là nhân đức.”

Mọi người nghe xong đều nhất loạt vỗ tay, buổi tiệc kết thúc, Tăng Quốc Phiên nói với các trợ tá: “Người này có đại tài, không thể để mai một.”

Không lâu sau, Tăng Quốc Phiên được thăng chức cao, ông đồng thời cũng tiến cử hậu sinh này.

Có người nói: “Sự khéo léo và chừng mực trong nói năng còn đáng giá hơn thao thao bất tuyệt.”

Nói năng là một môn nghệ thuật, từ ngữ khí và phương thức nói chuyện có thể nghe ra được thái độ và trình độ của một người, thậm chí ảnh hưởng tới cả vận mệnh của người đó.

Khuyết điểm của một vài người, bạn có thể biết, nhưng không thể nói; vết sẹo của một vài người, bạn có thể thấy, nhưng đừng vạch ra.

Đừng luôn lấy cái gọi là “thẳng thắn”, “có gì nói nấy” làm cái cớ để rồi nói ra những điều vô nghĩa không chút chừng mực; cũng đừng lấy cái gọi là “nhanh mồm nhanh miệng” để nói năng linh tinh mà không để ý gì.

Quản cho tốt cái miệng của bạn, tránh nói ra những lời không nên nói, rước phải những cái họa không nên rước.

Những người giỏi giang, mở mồm câu nào đáng giá câu đó, chứ không phải mở mồm ra là không ai ưa.

Tam bảo của cuộc sống: Một khuôn mặt hiền hòa, một cái miệng biết kiềm chế và một trái tim nhân hậu - Ảnh 2.

03
Trái tim lương thiện

Người xưa nói: “Nhân vi thiện, phúc tuy chưa tới, nhưng họa chắc chắn tránh xa.”

Một người, diện mạo xinh xắn hay không không quan trọng, địa vị thân phận cũng không quan trọng, quan trọng là cần có một trái tim lương thiện, làm người tử tế.

Những năm đầu thời Bắc Tống, Trung Quốc, Lý Phương và Lô Đa Tốn là hai người bạn vô cùng thân thiết.

Kể từ sau khi Lô Đa Tốn lên làm thừa tướng, ông bắt đầu cố tình chèn ép Lý Phương, còn lén nói những điều không hay về Lý Phương trước mặt Hoàng đế, cố tình làm khó Lý Phương.

Sau này, Lô Đa Tốn xảy ra chuyện bị bãi miễn chức quan, Lý Phương được lên làm thừa tướng. Nhưng Lý Phương vẫn rất nhiều lần nói đỡ cho Lô Đa Tốn.

Dù quyền cao chức trọng, thường xuyên có không ít người tới tìm Lý Phương đánh tiếng để xin một chức quan, nhưng Lý Phương luôn tìm cách để từ chối khéo, không làm mất lòng ai.

Với những người có tài năng, Lý Phương sẽ tiến cử đi thi khoa cử, ông tin rằng người có tài nhất định sẽ được Hoàng đế trọng dụng.

Với những người không có thực tài, Lý Phương vẫn rất nhiệt tình, thời gian lâu dần, chưa đợi tới kết quả, đối phương cũng ngại mà tự động rời đi.

Lý Phương luôn “dĩ nhân vi thiện”, sau cùng trở thành hiền thần, con cháu ông sau này cũng đều làm quan trọng triều.

Có người nói: “Tâm địa lương thiện chính là vàng.”

Trong tâm của mỗi người luôn có hai hạt giống, thiện và ác. Thiện nhiều, ác ắt ít đi; ác nhiều, thiện ắt ít đi.

Nếu bạn lúc nào cũng hướng thiện, bạn gặp ai cũng là quý nhân, nhìn ai cũng thấy ấm áp, tới đâu cũng thấy yên tâm.

Sống ở đời, có thể sự tử tế của bạn từng khiến bạn chịu thiệt thòi, nhưng bạn yên tâm, ông trời nhất định không phụ lòng người tốt.

Hãy luôn tin rằng, hành động tốt đẹp của bạn ngày hôm nay, chính là phúc báo cho ngày mai.


Như Nguyễn

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị