Trước cửa một cửa tiệm bánh kem nổi tiếng, có một người đàn ông ăn xin ăn mặc rách rưới, cả người toát ra mùi hôi khiến người xung quanh khó chịu.
Những người khách đi ngang qua thấy vậy đều cau mày, lộ ra vẻ mặt chán ghét. Sợ khách bị đuổi đi, anh chàng trẻ tuổi trong cửa hàng bước ra, hét lớn lên đuổi người ăn mày: “Đi chỗ khác đi, mau lên!”
Người ăn mày khó xử và xấu hổ lấy ra sấp tiền lẻ bẩn thỉu và nhàu nát nói nhỏ:
“Tôi đến đây để mua bánh, làm ơn bán cho tôi loại nào nhỏ nhất…”
Lúc này, người chủ cửa hàng bước tới, nhiệt tình lấy trong tủ ra một chiếc bánh kem nhỏ nhắn, tinh xảo và đưa cho người ăn xin, sau đó cúi đầu chào anh ta, bảo rằng:
“Cám ơn anh đã mua hàng chỗ chúng tôi, hoan nghênh anh sau này ghé lại!”
Người ăn xin mừng rỡ, đôi mắt ươn ướt vì trước giờ chưa từng được đối đãi tôn trọng như vậy.
Cháu trai chủ cửa hàng, cũng chính là cậu thanh niên đã đi ra đuổi người ăn xin ban nãy thấy vậy liền tỏ vẻ khó hiểu hỏi:
“Sao chú lại đối xử nhiệt tình với người ăn xin kia như vậy?”
Chủ cửa hàng giải thích: “Dù anh ta là ăn mày, nhưng anh ta cũng là khách hàng. Anh ta vì muốn ăn bánh kem ở chỗ chúng ta, đã dùng số tiền ít ỏi xin được trong thời gian rất dài để mua nó. Điều đó thật đáng quý, chúng ta không nên vì bề ngoài người ta không giàu sang, xinh đẹp mà phân biệt đối xử với họ.”
Người cháu nghe thế lại tiếp tục thắc mắc: “Nếu vậy sao chú không miễn phí cho anh ta mà còn thu tiền?”
Chủ cửa hàng đáp: “Hôm nay, anh ta đến đây làm khách, không phải ăn xin. Tất nhiên chúng ta phải tôn trọng anh ta. Nếu chú không thu tiền anh ta, chẳng phải đang xúc phạm anh ta hay sao? Mỗi khách hàng đều đáng được tôn trọng, dù đó là một người ăn mày…”
Anh chàng trẻ tuổi kia nghe xong liền trầm ngâm gật đầu.
Chủ cửa hàng này chính là ông nội của doanh nhân Nhật Bản nổi tiếng Yoshiaki Tsutsumi.
Tsutsumi cho biết, cách cư xử của ông nội đã in sâu vào tâm trí anh. Và sau này anh thường kể lại câu chuyện này tại cuộc họp, yêu cầu nhân viên phải luôn tôn trọng khách hàng như ông nội.
Có thể hình dung sự “tôn trọng” này không nằm trong “lịch sự xã giao”, mà nó xuất phát từ lòng nhân từ, sự hiểu biết sâu rộng và tình yêu thương… Sự tôn trọng như vậy không mang màu sắc thực dụng, cũng không bị ảnh hưởng bởi địa vị, tiền tài.
Tâm rộng lớn thì đường đi mới rộng mở, thế nên hãy luôn mở lòng và nhân hậu với mọi người. Dù bạn thích hay ghét người đó, dù đó là kẻ thù hay bạn bè, hãy tôn trọng họ, đó là một loại dũng khí đầy trí tuệ!
Tôn trọng người khác là yêu cầu cơ bản nhất trong các vấn đề đạo đức.
Mạnh Tử từng nói: “Yêu người khác, mới được người khác yêu. Tôn trọng người khác, mới được người khác tôn trọng.” Nếu bạn muốn nhận được sự tôn trọng và tình yêu chân thành từ người khác, trước hết bạn phải là người thật lòng làm điều đó trước đã.
Người ưu tú luôn hành xử đúng mực, tôn trọng lãnh đạo chính là bổn phận, tôn trọng đồng nghiệp và cấp dưới là đức tính tốt, tôn trọng khách hàng là lẽ thường, tôn trọng đối thủ là độ lượng và tôn trọng mọi người là thể hiện phong độ, sự giáo dục.
Không có ai sinh ra đã hoàn hảo, thế nên chúng ta chẳng có lý do gì để dùng đôi mắt tự cao, kiêu ngạo đi đánh giá người khác. Dùng sự khinh bỉ làm tổn thương lòng tự trọng của người khác chính là đang tự cắt đi đường tài vận sau này của mình.
Hãy học cách tôn trọng người khác, càng thua kém người khác, càng phải nên học hỏi nhiều hơn, chứ không phải dùng thái độ ghen tị để che lấp nhân tâm.
Nếu bạn muốn thực sự trở thành một nhà kinh doanh giỏi, điều đầu tiên phải luôn ghi nhớ chính là “Khách hàng là thượng đế”. Câu nói này không đại diện cho việc bạn phải chiều lòng khách hàng đến độ làm theo những yêu cầu vô lý của họ, mà là cần bạn mang sự tôn trọng của mình đặt lên người họ, dù đó là người giàu sang, phú quý hay ăn mày, quét rác ngoài đường…
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị