01
Tôi đã đọc được một phiên bản mới của câu chuyện con quạ uống nước, và nó rất đáng để suy ngẫm.
Sau nhiều năm tìm tòi, cuối cùng con quạ cũng tìm ra cách ném đá vào chai.
Nhờ vậy, nó thuận lợi uống được nước và và câu chuyện của nó còn được đưa vào sách giáo khoa, được mọi người khen ngợi.
Tuy nhiên, nó không ngờ rằng một ngày, một đàn quạ khác bay đến.
Những con quạ này hoàn toàn không ném đá vào chai, vì con nào con nấy đều cũng đang ngậm một chiếc ống hút trong miệng.
Tại sao lại kể câu chuyện này?
Trong thời đại này, ngày càng những hiện tượng khiến con người ta cảm thấy bất ngờ.
Gần đây có một mẩu tin tức nói Trần Ninh Kiệt, một thạc sỹ tốt nghiệp từ nhóm trường 985 (nhóm trường đại học hàng đầu) của Trung Quốc đã chuyển hướng sang làm quản gia.
Chuyện này khiến nhiều người xung quanh đều tiếc nuối dùm cậu, họ không hiểu nổi vì sao tốt nghiệp thạc sỹ rồi mà lại đưa ra quyết định như vậy.
Trần Ninh Kiệt sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh, Trung Quốc xong, đã tiếp tục học lên thạc sỹ kinh tế học của Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, anh tới một công ty Internet làm việc, tiền đồ sáng lạn.
Vì sao đang làm một nhân viên công sở sáng đi tối về như vậy lại không thích, mà lại chuyển sang làm quản gia?
Ba mẹ không hiểu: “Bao nhiêu năm ăn học như thế coi như bỏ đi!”
Trong mắt tất cả mọi người, một người được ăn học đàng hoàng, thậm chí còn học lên đến thạc sỹ rồi, làm sao có thể làm một công việc “thấp kém” như vậy?
Nhưng, trong lúc bạn đang quan tâm tới cái gọi là thể diện, thì ngày càng có nhiều những nhân tài, học vị cao tiến vào những nghề nghiệp bình thường, họ biến những cái nghề bị xem là “thấp kém” trong mắt bạn thành những “bát cơm vàng”, thay vì những “bát cơm sắt” mà bạn đang nai lưng ra kiếm mỗi ngày.
Để chuyển sang làm công việc liên quan tới phục vụ gia đình này, Trần Ninh Kiệt đã mua rất nhiều sách để đọc.
Từ những sách về kiến thức cơ bản như điều dưỡng cơ bản, như chăm sóc người già, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cách dọn dẹp phòng, ủi quần áo;
Đến những kiến thức chuyên môn cao cấp, chẳng hạn như rượu vang đỏ, xì gà, cà phê, làm bánh, cắm hoa…
Anh thậm chí còn nghiên cứu lịch sử phát triển của văn hóa quản gia.
Anh cũng đã lấy chứng chỉ quốc gia cho chuyên viên dọn dẹp và quản gia cá nhân.
Những thứ này sớm đã vượt qua hầu hết các công việc dọn dẹp nhà cửa đơn giản trong ngành.
Sau khi vào làm việc, theo nhu cầu của chủ nhà, Trần Ninh Kiệt đã tìm hiểu kiến thức về làm vườn và giám sát trang trí, thậm chí còn mua sách về Phong thủy để đọc.
Ngay cả những việc nhỏ nhặt như bưng bê, anh cũng thực hành nhiều lần ở nhà.
Để rèn luyện sức bền cho cơ tay, anh đã mua tạ về tập tại nhà.
Ngoài ra, anh cũng nghiên cứu cách giữ cho đĩa không bị rơi và rượu không bị đổ trong quá trình đi lại.
Ở một mức độ nào đó, nội dung của những công việc này đã vượt qua những công việc thực tế của “quản gia”.
Hiện tại, anh làm quản gia cấp cao trong một gia đình giàu có và quản lý một nhóm 7 người bao gồm gia sư, đầu bếp, tài xế, vệ sĩ và nhân viên chăm sóc người già.
Riêng tiền lương hàng tháng đã lên tới 40 ngàn tệ (khoảng 144 triệu đồng).
Tôi rất đồng ý với câu: “Trên đời này không có vị trí làm việc nào là đáng xấu hổ, chỉ có thái độ hời hợt trong công việc mà thôi”.
Ở Trần Ninh Kiệt, tôi nhận ra rằng bất cứ công việc không được thể diện lắm nào đó trong mắt mọi người, cũng đều tồn tại những mặt chuyên môn cấp cao của nó.
Ở Trần Ninh Kiệt, tôi nhận ra rằng không phải việc bạn làm không cho ra được nhiều tiền, mà là bạn không đáng tiền.
02
Không biết bạn có phát hiện ra rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, và nhu cầu về nhân tài ở mỗi ngành đang ngày một trở nên phân hóa hơn.
Lấy ngành công nghiệp về gia đình làm ví dụ, nó không còn đơn giản chỉ là những công việc chân tay như giặt giũ và nấu nướng theo ấn tượng truyền thống.
Thay vào đó, có nhiều phân khúc ngành hơn, chẳng hạn như quản gia, giáo viên tại gia hay chuyên gia dinh dưỡng gia đình…
Một nhà báo đã từng nói: “Tương lai không phải là nhảy việc hay làm việc trái ngành nữa, mà là sự phân công lao động và chuyên môn hóa tinh vi hơn.”
Điều đó có nghĩa là, khi mỗi một ngành ngày càng chia nhỏ ra hơn nữa, “hiệu ứng thanh gỗ ngắn nhất” truyền thống sẽ không còn được thiết lập, mà nó sẽ được thay thế bằng “hiệu ứng thanh gỗ dài nhất”:
Khi bạn nghiêng cái thùng, bạn sẽ phát hiện ra rằng phần có thể chứa nhiều nước nhất, là phần chứa những thanh gỗ dài nhất, và đó cũng chính là những kỹ năng sở trường nhất của bạn.
Nếu không có một sở trường, một điểm mạnh nhất định, bạn sẽ không chịu được mưa gió, và sẽ bị đào thải bất cứ lúc nào.
Để tồn tại trong làn sóng tương lai, bạn cần phải là một nhân tài không thể thay thế trong chính lĩnh vực của mình.
Làm thế nào để trở thành “nhân tài không thể thay thế” đó?
Ba gợi ý dành cho bạn, chỉ cần bạn thực hiện được bất kỳ điều nào sau đây, bạn cũng hoàn toàn có thể trở thành nhân tài trong một lĩnh vực nào đó.
1. Nâng cấp tư duy
Nhảy ra khỏi các vấn đề cụ thể và suy nghĩ theo một chiều hướng cao hơn.
Ví dụ, khi chúng ta gặp phải vấn đề về thay đổi công việc, nếu chúng ta chỉ xem xét một lớp, đó là:
Mức lương cho công việc này là bao nhiêu? Có gần nhà không? Ông chủ có nghiêm khắc quá không?
Nhưng nếu chiều hướng suy nghĩ được nâng lên một chút:
Xu hướng phát triển của công ty này là gì? Ngành này đang phát triển như thế nào?
Chỉ bằng cách suy nghĩ theo một chiều hướng cao hơn, chúng ta mới có thể suy nghĩ về các vấn đề từ một khuôn khổ lớn hơn và một góc nhìn cao hơn.
Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn hơn trong một thời đại luôn thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
2. Hành động “nhìn ngược xuống”
“Nhìn lên” tức là ngẩng đầu lên nhìn trời cao, luôn khát khao tới những công việc được xem là cao cấp; “nhìn ngược xuống” có nghĩa là cúi đầu mà đi, thử nhìn nhận vào những ngành công nghiệp kỹ thuật thấp hơn.
Cũng giống như việc một thạc sỹ đi làm quản gia, hay sinh viên tốt nghiệp đại học về bán thịt lợn vậy.
Hiện tại, người thì một tháng lương hàng trăm triệu, người thì cũng đã trở thành một doanh nhân thành đạt.
Có người nói rằng:
“Tương lai, chỉ cần có thể thỏa mãn được nhu cầu của thị trường, bạn chính là tinh anh.”
Càng tạo ra nhiều đột phá ở những lĩnh vực mà không nhiều người để ý tới hay những lĩnh vực trình độ thấp, thì tầm nhìn của bạn càng độc đáo.
Xét cho cùng thì người phóng hỏa tiễn lên bầu trời cũng là nhân tài, nhưng người có thể khiến cho bồn cầu không tắc cũng là một nhân tài.
Chỉ những người biết bén rễ từ dưới rồi phát triển đi lên mới có thể đón nhận một thế giới rộng lớn hơn với một tầm nhìn lớn hơn.
3. Làm tốt đến cùng một chuyện
Diễn viên nổi tiếng Châu Nhuận Phát từng nói: “Trên đời này, cứ 1 triệu người thì mới có một nhân vật chính, và nhân vật chính này là người giỏi diễn xuất đến tột đỉnh.”
Làm một việc đến mức xuất sắc nhất luôn tốt hơn là làm một đống việc một cách hời hợt.
Đây là cách vươn lên nhanh nhất đối với những người bình thường.
Nghiêm túc biến mình trở nên giỏi nhất trong công việc đưa hàng, và bạn sẽ trở thành vua đưa hàng ở khu vực đó.
Làm đồ nướng tới mức ngon cực đỉnh, bạn có thể trở thành vua đồ nướng trong khu vực.
Làm quản gia cũng phải làm sao cho xuất sắc nhất, và bạn sẽ trở thành vua quản gia của công ty.
Trong bất cứ ngành nghề nào, đừng thấy đâu đâu cũng là người, thực ra, số người thực sự nỗ lực, biến mình trở nên xuất sắc nhất trong lĩnh vực đó cũng chỉ có vài người mà thôi.
Lời kết,
“Chúng ta đều biết rằng là vàng thì sẽ luôn tỏa sáng, nhưng hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ cách để tỏa sáng, rất ít người nghĩ cách để trở thành vàng.”
Hãy học cách thay đổi tư duy, làm tốt một việc tới 1000%, và “hàm lượng vàng” của bạn sẽ tăng dần từng ngày.
Hãy nhớ rằng, bất kỳ sự hời hợt nào trong công việc, đều sẽ chỉ mang lại sự tầm thường.
https://cafebiz.vn/tot-nghiep-thac-sy-truong-dai-hoc-hang-dau-chuyen-huong-lam-quan-gia-dung-che-cong-viec-khong-ra-tien-khong-no-luc-chinh-ban-moi-khong-dang-tien-20220303094043372.chn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị